Kỹ năng phỏng vấn xin việc: Sinh viên thể hiện ưu điểm của bản thân như thế nào cho hiệu quả?
Sinh viên chuẩn bị gì trước khi đi phỏng vấn xin việc?
Trước khi đi xin việc, có những việc cần thiết mà sinh viên cần chuẩn bị để buổi phỏng vấn đạt hiệu quả và tạo sự tự tin cho bản thân khi phỏng vấn.
Cụ thể, sinh viên có thể chuẩn bị như sau:
(1)Trang phục nghiêm chỉnh, phù hợp.
- Ngoại hình thường là yếu tố quan trọng nhất để tạo ấn tượng ban đầu với nhà tuyển dụng. Dù có kinh nghiệm đa dạng, nhưng nếu xuất hiện với hình ảnh xuề xòa, không phù hợp trong buổi phỏng vấn, sinh viên có thể bị coi là không chuyên nghiệp, thiếu tôn trọng và không biết cách ứng xử đúng với doanh nghiệp.
- Sinh viên có trang phục gọn gàng, chỉnh tề sẽ thể hiện sự tôn trọng và nghiêm túc của bạn đối với công ty và công việc mà sinh viên đang ứng tuyển. Điều này cũng giúp tạo ấn tượng tốt cho người phỏng vấn. Tránh những sai lầm về trang phục sẽ giúp sinh viên tự tin hơn và bắt đầu buổi phỏng vấn một cách thuận lợi.
(2) Dự trù thời gian để đến buổi phỏng vấn đúng giờ.
Trong số các kỹ năng cần thiết khi đi phỏng vấn xin việc, việc đến đúng giờ được coi là một yêu cầu tối thiểu. Sự đến trễ cho thấy thiếu sự chuẩn bị và trách nhiệm đối với công ty, gây lãng phí thời gian cho cả hai bên.
Để chuẩn bị cho buổi phỏng vấn, sinh viên nên tìm hiểu đường đi đến văn phòng của công ty trước ít nhất 1 ngày để biết chính xác địa chỉ. Hãy chuẩn bị tất cả mọi thứ từ trước để không phải mất thời gian và đến phỏng vấn trễ.
Sinh viên nên đến trước giờ hẹn khoảng 30 phút để không bị trễ, đồng thời việc này giúp ứng cử viên sẽ có thời gian ổn định lại mọi thứ để không bị áp lực trước khi bước vào phòng vấn.
(3) Chuẩn bị trước kiến thức
Sinh viên nên tìm hiểu trước về tổng quan công ty đang ứng tuyển và kiến thức liên quan đến công việc, đặc biệt là tập trung vào những phần liên quan đến kinh nghiệm, kỹ năng và chuyên môn mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Khi có chuẩn bị trước, sinh viên sẽ không bỡ ngỡ bởi những câu hỏi từ nhà tuyển dụng.
Kỹ năng phỏng vấn xin việc: Sinh viên thể hiện ưu điểm của bản thân như thế nào cho hiệu quả? (Hình từ Internet)
Kỹ năng phỏng vấn xin việc: Sinh viên thể hiện ưu điểm của bản thân như thế nào cho hiệu quả?
Việc thể hiện những ưu điểm của bản thân để ghi điểm với nhà tuyển dụng là điều cần thiết đối với mỗi ứng viên. Tuy nhiên, khi sinh viên thể hiện ưu điểm của mình trong buổi phỏng vấn cần khéo léo để mang lại hiệu quả tốt nhất, tránh trường hợp mang lại kết quả ngược không mong muốn.
Sau đây là một số gợi ý dành cho sinh viên để thể hiện ưu điểm của bản thân mang hiệu quả trong buổi phỏng vấn:
(1) Chỉ nói đủ, không nói nhiều
Nhà tuyển dụng chỉ cần biết những ưu điểm liên quan đến công việc đang tuyển dụng. Những ưu điểm nhỏ không liên quan đến công việc thì không nên đưa vào để thuyết trình trước nhà tuyển dụng. Nếu sinh viên mang mọi ưu điểm của mình để trình bày thì đôi khi sẽ mang lại bất lợi như nhà tuyển dụng đánh giá ứng cử viên không biết chắt lọc thông tin, không biết chọn những thông tin cần thiết,...
Do đó, sinh viên cần sắp xếp những ưu điểm của mình, cái nào nên nói cái nào không nên nói. Một phần điều này mang lại sự rõ ràng, rành mạch, logic, một phần mang lại sự kỹ năng chọn lọc thông tin cần thiết trước nhà tuyển dụng.
(2) Mô tả chi tiết, rõ ràng
Khi mô tả ưu điểm, sinh viên hãy sử dụng từ ngữ sáng tạo mà không quá phô trương, đặc biệt là tránh sử dụng các từ quá cường điệu để tâng bốc bản thân.
Những ưu điểm quá chung chung sẽ làm cho nhà tuyển dụng đánh giá thấp ứng cử viên. Do đó, sinh viên cần mô tả những ưu điểm chi tiết, rõ ràng để nhà tuyển dụng thấy được bạn thật sự đã tìm hiểu kỹ và mong muốn làm việc cho vị trí này.
(3) Đưa ra ví dụ về những ưu điểm của bản thân
Nếu nói về điểm mạnh mà không có ví dụ cụ thể thì sẽ không thể làm cho nhà hiểu rõ. Sinh viên nên cung cấp các tình huống và ngữ cảnh cụ thể để minh họa cho mình. Ví dụ, sinh viên có thể là người chủ động trong công việc, sẵn sàng nhận những nhiệm vụ khó, luôn giúp đỡ đồng nghiệp và chủ động hỏi những điều chưa biết.
Thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo.
Nguyễn Trần Thị Ánh Loan