Bác sĩ nội trú là gì? Công việc của Bác sĩ nội trú gồm những gì?

Với các bạn sinh viên y khoa thì bác sĩ nội trú là một khái niệm vô cùng quen thuộc. Hơn hết, đây còn được xem là ước mơ của mọi sinh viên y khoa chính quy với việc trở thành bác sĩ nội trú trong tương lai. Vậy thực tế thì bác sĩ nội trú là gì? Đâu là chuyên ngành đào tạo bác sĩ nội trú và công việc của bác sĩ nội trú là gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp chi tiết các thắc mắc liên quan đến bác sĩ nội trú nhé!

Bác sĩ nội trú là gì?

Bác sĩ nội trú là chương trình dành cho sinh viên Y khoa đã hoàn thành chương trình đào tạo Đại học hệ chính quy và có mong muốn học lên cao hơn. Có thể nói, đây là giấc mơ chung của phần lớn sinh viên Y.

Trên thực tế, Bác sĩ nội trú để chỉ những sinh viên Y đang trong quá trình học tập, thực hành nhằm tích lũy thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm thực tế trước khi trở thành một bác sĩ thực thụ.

Thông thường sau khi các sinh viên Y khoa hoàn thành chương trình Đại học dài 6 năm và ra trường thì họ có thể chọn học cao hơn bằng cách thi Cao học hoặc Bác sĩ nội trú với điều kiện họ dưới 27 tuổi, chưa từng bị kỷ luật và phải là sinh viên Y khoa chính quy.

Việc thi vào chương trình Bác sĩ nội trú được đánh giá là khó hơn rất nhiều so với thi vào Cao học. Mỗi sinh viên Y khoa chính quy chỉ được dự thi Bác sĩ nội trú 1 lần trong đời, nếu thi trượt họ hoàn toàn không có cơ hội thứ 2. Chỉ tiêu bác sĩ nội trú của mỗi một chuyên ngành cũng cực kỳ hạn chế, chỉ khoảng vài “slot” mà thôi. Các giáo sư, tiến sĩ hàng đầu của ngành Y Việt Nam hầu hết đều xuất phát từ vị trí bác sĩ nội trú.

Bác sĩ nội trú là gì? Công việc của Bác sĩ nội trú gồm những gì?

Bác sĩ nội trú là gì? Công việc của Bác sĩ nội trú gồm những gì? (Hình từ Internet)

Đâu là các chuyên ngành đào tạo bác sĩ nội trú?

Khi theo học Bác sĩ nội trú, bạn có thể chọn lựa các chuyên ngành đào tạo chuyên sâu khác nhau.

(1) Chuyên ngành hệ nội gồm có:

- Huyết học – Truyền máu

- Hồi sức cấp cứu

- Nhi khoa

- Tim mạch

- Thần kinh

- Lao phổi

- Truyền nhiễm

- Da liễu

- Y học cổ truyền

- Y học hạt nhân

- Tâm thần

- Phục hồi chức năng

- Nội khoa

(2) Chuyên ngành hệ ngoại gồm có:

- Ngoại khoa

- Răng hàm mặt

- Phụ sản

- Gây mê hồi sức

- Tai mũi họng

- Nhãn khoa

- Phẫu thuật tạo hình

- Chẩn đoán hình ảnh

- Ung thư

(3) Chuyên ngành thuộc y học cơ sở và dự phòng gồm có:

- Vi sinh

- Mô phôi

- Ký sinh trùng

- Giải phẫu bệnh

- Sinh lý học

- Y học dự phòng

Công việc của Bác sĩ nội trú gồm những gì?

(1) Chẩn đoán và điều trị bệnh

Đầu tiên, Bác sĩ nội trú cần tiến hành một cuộc hỏi bệnh với bệnh nhân để nắm rõ về các triệu chứng trong cơ thể và tiền sử bệnh lý của người bệnh. Đồng thời Bác sĩ tiến hành thăm khám sức khỏe qua sự trợ giúp của siêu âm, các dụng cụ y tế và các xét nghiệm nhằm xác định tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.

Từ việc có các kết quả sơ bộ sau khi thăm khám, họ sẽ đưa ra kết luận, chẩn đoán ban đầu và đồng thời mô phỏng phương hướng điều trị cũng như tiên lượng về các biến chứng có thể có trong quá trình điều trị.

Sau khi đưa ra chẩn đoán về tình trạng sức khoẻ của người bệnh, Bác sĩ nội trú thiết lập phác đồ điều trị dựa trên kiến thức chuyên môn cùng với kinh nghiệm trong quá trình thực hành lâm sàng nhằm tìm giải pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh. Trong trường hợp bệnh tình có mức độ nguy hiểm cao hoặc phức tạp, Bác sĩ cần tham vấn chuyên môn với hội đồng y khoa và những Bác sĩ cùng hoặc khác phân ngành nhằm đưa ra giải pháp chữa trị hiệu quả nhất.

Các Bác sĩ nội trú sẽ đặt lịch các buổi thăm khám để có thể theo dõi bệnh lý người bệnh nhằm đánh giá mức độ hồi phục cũng như các tiến triển không mong muốn nếu xảy ra.

(2) Nghiên cứu các vấn đề bệnh lý của con người

Ngoài là người thầy thuốc chữa bệnh, Bác sĩ nội trú cũng có vai trò là một nhà nghiên cứu về những lĩnh vực liên quan đến bệnh lý. Để có thể tham gia vào nghiên cứu, Bác sĩ nội trú cần phải tham gia những lớp nghiên cứu sinh để có kiến thức và kinh nghiệm cần thiết cho nghiên cứu.

Nghiên cứu có thể có nhiều dạng với các đối tượng và mục tiêu khác nhau như dịch tễ học, phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh để góp phần nâng cao kiến thức y học nước nhà cũng như tri thức y khoa thế giới.

(3) Hỗ trợ một số công việc chuyên môn

Bên cạnh công việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế Bác sĩ nội trú cũng có vai trò hỗ trợ và giúp đỡ cho những đồng nghiệp cùng ngành thông qua trong những trường hợp khẩn cấp thiếu hụt nhân sự, Bác sĩ sẽ góp phần hỗ trợ một phần to lớn như trong Đại dịch Covid-19 vừa qua.

Trường đại học nào ở Việt Nam đào tạo Bác sĩ nội trú?

Tại Việt Nam, bạn có thể theo học chương trình đào tạo Bác sĩ nội trú tại các trường đại học hàng đầu về lĩnh vực Y khoa như:

- Học Bác sĩ nội trú tại Trường Đại học Y Hà Nội

- Trường Đại học Dược Hà Nội

- Trường Đại học Y – Đại học Quốc gia Hà Nội

- Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh

- Khoa Y – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh

- Trường Đại học Phan Châu Trinh

- Trường Đại học Y Dược Huế

- Trường Đại học Y Dược Cần Thơ

Đoàn Thanh Hiền

50156 lượt xem
lượt xem

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào