Cách tính thuế TNCN đối với tiền tăng ca, làm thêm giờ như thế nào?

Tiền tăng ca, làm thêm giờ là một trong những khoản thu nhập đáng kể của người lao động, bởi sẽ được hưởng tiền lương cao hơn so với thời giờ làm việc bình thường, vậy cách tính thuế TNCN đối với tiền tăng ca như thế nào? Câu hỏi của bạn Trà My đến từ Hải Dương.

Tiền tăng ca, làm thêm giờ được tính thế nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 98 Bộ luật Lao động 2019, người lao động khi làm thêm giờ sẽ được trả lương theo đơn giá tiền lương, hoặc tiền lương thực trả. Cụ thể như sau:

- Nếu người lao động đi làm vào ngày thường: Doanh nghiệp phải trả ít nhất 150% lương

- Nếu người lao động đi làm vào ngày nghỉ hàng tuần: Doanh nghiệp phải trả ít nhất 200% lương

- Nếu người lao động đi làm vào ngày nghỉ lễ Tết, ngày nghỉ có hưởng lương: Doanh nghiệp phải trả ít nhất 300% lương, chưa kể tiền lương ngày lễ Tết đối với người hưởng lương ngày.

Cách tính thuế TNCN đối với tiền tăng ca, làm thêm giờ như thế nào?

Cách tính thuế TNCN đối với tiền tăng ca, làm thêm giờ như thế nào? (Hình từ Internet)

Thu nhập được miễn thuế cá nhân đối với tiền tăng ca, làm thêm giờ được quy định như thế nào?

Các khoản thu nhập được miễn thuế

Căn cứ theo nội dung tại điểm i khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC có quy định:

Các khoản thu nhập được miễn thuế
1. Căn cứ quy định tại Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 4 của Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập được miễn thuế bao gồm:
...
i) Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:
i.1) Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.
....
i.2) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập phải lập bảng kê phản ánh rõ thời gian làm đêm, làm thêm giờ, khoản tiền lương trả thêm do làm đêm, làm thêm giờ đã trả cho người lao động. Bảng kê này được lưu tại đơn vị trả thu nhập và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan thuế.
...

Theo quy định về các khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân thì thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động.

Theo đó, tiền làm thêm giờ được miễn thuế TNCN nhưng sẽ không được miễn toàn bộ mà chỉ miễn thuế đối với phần thu nhập được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc trong giờ theo quy định Bộ luật Lao động, cụ thể:

Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế TNCN căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ đi khoản tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.

Ví dụ : Ông A có mức lương trả theo ngày làm việc bình thường theo quy định của Bộ luật Lao động là 40.000 đồng/giờ.

- Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày thường, cá nhân được trả 60.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:

60.000 đồng/giờ – 40.000 đồng/giờ = 20.000 đồng/giờ

- Trường hợp cá nhân làm thêm giờ vào ngày nghỉ hoặc ngày lễ, cá nhân được trả 80.000 đồng/giờ thì thu nhập được miễn thuế là:

80.000 đồng/giờ – 40.000 đồng/giờ = 40.000 đồng/giờ

Lưu ý: Khi doanh nghiệp, cá nhân chi trả thu nhập cho người lao động, cần phải lập bảng kê ghi rõ: Thời gian làm thêm giờ, khoản tiền lương trả thêm do làm thêm giờ cho người lao động. Bảng kê này sẽ được lưu nội bộ tại doanh nghiệp và cần phải xuất trình nếu Cơ quan thuế yêu cầu.

Theo quy định của Bộ luật lao động, người sử dụng lao động phải đảm bảo số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong ngày.

Nếu áp dụng giờ làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12h/ngày, không quá 30h/tháng, không quá 200h/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì sẽ được làm thêm không quá 300h/năm.

Cách tính thuế thu nhập cá nhân đối với tiền tăng ca, làm thêm giờ thực hiện thế nào?

Căn cứ khoản 2,3 Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC, để tính thuế thu nhập cá nhân với tiền tăng ca của người lao động, doanh nghiệp có thể áp dụng công thức như sau:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất.

Trong đó, thuế suất sẽ được xác định theo biểu thức lũy tiến từng phần gồm 07 bậc thuế, bậc thuế càng cao thì thuế suất càng lớn, cụ thể:

Bậc thuế

Phần thu nhập tính thuế/tháng (đơn vị: triệu đồng)

Phần thu nhập tính thuế/năm (đơn vị: triệu đồng)

Thuế suất (%)

1

Đến 5

Đến 60

5

2

Trên 5 đến 10

Trên 60 đến 120

10

3

Trên 10 đến 18

Trên 120 đến 216

15

4

Trên 18 đến 32

Trên 216 đến 384

20

5

Trên 32 đến 52

Trên 384 đến 624

25

6

Trên 52 đến 80

Trên 624 đến 960

30

7

Trên 80

Trên 960

35

Các bước tính thuế

Bước 1: Tính thu nhập chịu thuế theo công thức:

Thu nhập chịu thuế = Tổng thu nhập nhận được từ tiền lương, tiền công - Các khoản được miễn thuế

Tức là: Lấy tổng thu nhập nhận được, trừ đi tiền được trả cao hơn do phải làm việc vào ban đêm và làm thêm giờ.

Bước 2: Tính các khoản được giảm trừ

Bước 3: Tính thu nhập tính thuế theo công thức:

Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế - Các khoản giảm trừ

Bước 4: Tính số thuế phải nộp theo công thức:

Thuế thu nhập cá nhân phải nộp = Thu nhập tính thuế x Thuế suất

Trả tiền làm thêm giờ có được tính làm chi phí hợp lý cho doanh nghiệp

Tại Điều 60 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định thời gian làm thêm giờ được giới hạn tùy vào thời giờ làm việc của người lao động. Cụ thể:

- Tổng số giờ làm thêm không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày khi làm thêm vào ngày làm việc bình thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này.

- Trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày.

- Trường hợp làm việc không trọn thời gian quy định tại Điều 32 của Bộ luật Lao động thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày.

Điều 32 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

Làm việc không trọn thời gian
1. Người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.
2. Người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian khi giao kết hợp đồng lao động.
3. Người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương; bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

- Tổng số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong một ngày, khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần.

- Thời giờ nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc đối với trường hợp làm việc theo ca liên tục theo khoản 2 Điều 64 sẽ được giảm trừ khi tính tổng số giờ làm thêm trong tháng, trong năm để xác định việc tuân thủ quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019.

Theo điểm b, c khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động 2019 quy định:

Làm thêm giờ
2. Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu sau đây:
b) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng;
c) Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

Vậy, khoản tiền chi trả tiền làm thêm giờ mà số giờ người lao động làm thêm nằm trong khung mà pháp luật cho phép thì theo quy định, nếu khoản tiền này là khoản chi thực tế phát sinh đến hoạt động của doanh nghiệp và có đầy đủ hóa đơn chứng từ hợp lệ thì khoản chi này được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Đối với khoản tiền mà Doanh nghiệp trả cho người lao động làm thêm giờ vượt quá quy định của pháp luật lao động, trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ/năm được quy định tại Công văn 440/TCT-CS năm 2013 như sau:

Trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm, được quy định như sau:
a) Các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh có sản xuất hoặc gia công hàng xuất khẩu, bao gồm sản phẩm: dệt, may, da, giày và chế biến thủy sản nếu phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do yêu cầu cấp thiết của sản xuất hoặc do tính chất thời vụ của sản xuất hoặc do yếu tố khách quan không dự liệu trước thì được làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm, nhưng phải thực hiện đúng các quy định sau:
- Phải thỏa thuận với người lao động;
- Nếu người lao động làm việc trong ngày từ 10 giờ trở lên thì người sử dụng lao động phải bố trí cho họ được nghỉ thêm ít nhất 30 phút tính vào giờ làm việc, ngoài thời giờ nghỉ ngơi trong ca làm việc bình thường;
- Trong 7 ngày liên tục, người sử dụng lao động phải bố trí cho người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục.

Ngoại trừ trường hợp trên, theo Công văn 2323/TCT-CS năm 2015 của Tổng cục thuế đã nêu “nếu doanh nghiệp do nguyên nhân khách quan phải làm thêm giờ thì Cục Thuế phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội để xem xét tình hình thực tế tại doanh nghiệp. Trường hợp vì các lý do chính đáng doanh nghiệp phải tăng thời gian làm thêm giờ thì khoản chi phí làm thêm giờ doanh nghiệp thực chi trả cho người lao động và có đủ chứng từ theo quy định tại các văn bản về thuế TNDN được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN”.

Như vậy, tùy vào từng trường hợp cụ thể, Cục thuế các tỉnh, thành phố sẽ xem xét, đánh giá để cho phép doanh nghiệp được hạch toán hay không. Đối với trường hợp doanh nghiệp được phép làm thêm trong khoảng từ 200 đến 300 giờ/năm, doanh nghiệp cần đảm bảo tập hợp đầy đủ các chứng từ và điều kiện cần thiết để hợp lý hóa khoản chi phí này vào chi phí được trừ khi xác đinh thu nhập chịu thuế TNDN.

Tải toàn bộ văn bản hướng dẫn thuế TNCN tại đây.

MỚI NHẤT
0 lượt xem
Bài viết mới nhất
TÌM KIẾM LIÊN QUAN

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào