Cách tính thời gian công tác trước năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội như thế nào?
Cách tính thời gian công tác trước năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội như thế nào?
Căn cứ theo Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP có nội dung bị hết hiệu lực bởi khoản 3 Điều 12 Nghị định 89/2020/NĐ-CP, cách tính thời gian công tác trước năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội như sau:
(1) NLĐ có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước năm 1995 mà được tính là thời gian công tác liên tục nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, BHXH một lần thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng BHXH. Cụ thể:
+ NLĐ làm việc trong khu vực nhà nước liên tục công tác đến năm 1995 mà chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, BHXH một lần thì thời gian làm việc trước năm 1995 đó được tính là thời gian đã đóng BHXH;
+ NLĐ có thời gian công tác gián đoạn hoặc đã nghỉ việc trước năm 1995 thì việc xác định thời gian công tác để tính hưởng BHXH được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước năm 1995 để hưởng BHXH, trừ một số quy định được liệt kê tại điểm b khoản 1 Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP.
+ Người đang hưởng trợ cấp bệnh binh, sau đó có thời gian tham gia công tác và đóng BHXH thì ngoài chế độ bệnh binh còn được hưởng chế độ BHXH. Thời gian tính hưởng BHXH là thời gian đã đóng BHXH, thời gian công tác tính hưởng chế độ bệnh binh không được tính để hưởng BHXH.
(2) Quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15/12/1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia BHXH bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động mà không hưởng chế độ trợ cấp theo quy định dưới đây thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an trước đó với thời gian công tác có đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH:
Trường hợp quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc từ ngày 15/12/1993 đến ngày 31/12/1994 mà chưa giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian tham gia quân đội, công an nhân dân được tính hưởng BHXH.
(3) NLĐ làm việc thuộc khu vực nhà nước, nghỉ chờ việc từ ngày 01/11/1987 đến trước ngày 01/01/1995 do doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức không sắp xếp, bố trí được việc làm, chưa giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp BHXH một lần, tính đến ngày 31/12/1994 vẫn còn có tên trong danh sách lao động của đơn vị thì được tính thời gian công tác trước khi nghỉ chờ việc để tính hưởng BHXH.
(4) NLĐ thuộc biên chế của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị LLVT được cơ quan, đơn vị cử đi công tác, học tập, làm việc có thời hạn đã xuất cảnh hợp pháp ra nước ngoài, đã về nước nhưng không đúng hạn hoặc về nước đúng thời hạn nhưng đơn vị cũ không bố trí, sắp xếp được việc làm và đối tượng lao động xã hội được cử đi hợp tác lao động sau khi về nước tiếp tục tham gia đóngBHXH bắt buộc thì được xem xét, giải quyết như sau:
+ Thời gian làm việc trong nước trước khi đi công tác, học tập, làm việc ở nước ngoài và thời gian ở nước ngoài trong thời hạn cho phép trước năm 1995 nếu chưa được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp phục viên, xuất ngũ hoặc bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian đó được tính hưởng chế độ hưu trí, tử tuất.
Việc tính thời gian công tác trước năm 1995 để hưởng BHXH thực hiện như mục (1), (2), (3).
+ Thời gian làm việc từ năm 1995 trở đi, nếu đã đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật BHXH mà chưa nhận trợ cấp BHXH một lần hoặc trợ cấp phục viên, xuất ngũ thì được tính hưởng BHXH.
(5) Đối tượng là lao động xã hội được cử đi hợp tác lao động sau khi về nước tiếp tục tham gia đóng BHXH bắt buộc thì thời gian công tác tính hưởng BHXH được thực hiện theo mục (4).
Trường hợp học sinh học nghề chuyển sang hợp tác lao động theo Hiệp định Chính phủ thì thời gian học nghề không được tính là thời gian công tác hưởng bảo hiểm xã hội.
(6) Không áp dụng quy định tại (4), (5) đối với các trường hợp vi phạm pháp luật ở nước ngoài bị trục xuất về nước hoặc bị kỷ luật buộc phải về nước hoặc bị phạt tù giam trước năm 1995.
Cách tính thời gian công tác trước năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội như thế nào? (Hình từ Internet)
Các chế độ của từng loại BHXH từ 1/7/2025 là gì?
Căn cứ theo Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (có hiệu lực từ 1/7/2025), có 02 loại bảo hiểm xã hội bao gồm: BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Các chế độ của từng loại như sau:
(1) Bảo hiểm xã hội bắt buộc có các chế độ sau:
- Ốm đau;
- Thai sản;
- Hưu trí;
- Tử tuất;
- Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
(2) Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau:
- Trợ cấp thai sản;
- Hưu trí;
- Tử tuất;
- Bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong BHXH là gì?
Căn cứ theo Điều 9 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, 08 hành vi bị nghiêm cấm trong BHXH gồm:
1. Chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp.
2. Chiếm dụng tiền hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
3. Cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng tham gia, thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
4. Gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
5. Sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm thất nghiệp trái pháp luật.
6. Truy cập, khai thác, cung cấp cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trái pháp luật.
7. Đăng ký, báo cáo sai sự thật; cung cấp thông tin không chính xác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
8. Thông đồng, móc nối, bao che, giúp sức cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
9. Cầm cố, mua bán, thế chấp, đặt cọc sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức.
10. Hành vi khác theo quy định của luật.
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ 1/7/2025.