Cách tính số ngày nghỉ phép năm theo thâm niên?
Cách tính số ngày nghỉ phép năm theo thâm niên?
Tại Điều 114 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc
Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 01 ngày.
Như vậy, đối với người lao động nghỉ phép hằng năm sẽ tăng theo thâm niên, cụ thể
- Ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc.
- Người lao động cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động được tăng thêm tương ứng 01 ngày.
Ví dụ: Người lao động làm việc đủ 12 tháng, làm công việc trong điều kiện bình thường được nghỉ phép trong năm là 12 ngày làm việc. Khi có đủ từ 5 năm làm việc cho 1 người lao động trở lên thì số ngày nghỉ phép năm tăng lên 13 ngày.
Tương tự ngày nghỉ phép năm tăng lên 15 ngày đối với công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật; tăng lên 17 ngày đối với người làm việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Cách tính số ngày nghỉ phép năm theo thâm niên? (Hình từ Internet)
Người lao động có được gộp số ngày nghỉ phép hàng năm?
Tại khoản 4 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động được biết. Trong đó, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
Bên cạnh đó, Điều 13 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội hưởng lương từ ngân sách nhà nước được nghỉ hàng năm theo quy định của pháp luật về lao động.
Theo Điều 13 Luật Viên chức 2010, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập được nghỉ hàng năm theo quy định của pháp luật lao động. Viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc trường hợp đặc biệt khác, nếu có yêu cầu, được gộp số ngày nghỉ phép của 2 năm để nghỉ một lần; nếu gộp số ngày nghỉ phép của 3 năm để nghỉ một lần thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Như vậy, các đối tượng là người lao động trong doanh nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập thì được gộp số ngày nghỉ của ba năm để nghỉ một lần nếu thỏa thuận được với người sử dụng lao động;
Tuy nhiên trường hợp là viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa hoặc trường hợp đặc biệt khác, nếu có yêu cầu, được gộp số ngày nghỉ phép của 2 năm để nghỉ một lần; nếu gộp số ngày nghỉ phép của 3 năm để nghỉ một lần thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Người lao động không nghỉ hết số ngày phép năm thì có được chuyển thành tiền không?
Tại Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 có quy định:
Nghỉ hằng năm
1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.
3. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.
...
Như vậy, khi người lao động không nghỉ hết số ngày phép thì sẽ được giải quyết quyền lợi theo 2 trường hợp sau:
(1) Đối với trường hợp không nghỉ hết phép năm do thôi việc, bị mất việc làm
Căn cứ khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định trường hợp không nghỉ hết số phép năm do thôi việc, bị mất việc làm thì người lao động sẽ được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày phép chưa nghỉ.
(2) Đối với trường hợp không nghỉ hết phép năm do chưa có nhu cầu nghỉ mà vẫn muốn tiếp tục làm việc
Người sử dụng lao động không thực hiện thanh toán tiền lương cho những ngày phép chưa nghỉ. Ngoài việc nghỉ dồn phép dịp cuối năm, các bên có thể thỏa thuận để nghỉ gộp phép của năm trước vào năm sau.
Như vậy, người lao động chưa nghỉ hết phép năm do không có nhu cầu nghỉ nhiều thì sẽ không được thanh toán tiền phép dịp cuối năm nhưng pháp luật cũng cho phép được thỏa thuận với công ty để nghỉ gộp phép dư sang năm sau.