Cách tính lương hưu BHXH tự nguyện thay đổi như thế nào?
Đóng BHXH tự nguyện bao lâu thì được hưởng lương hưu?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà công dân Việt Nam tự nguyện tham gia và được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình.
Tại Điều 98 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định về đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu như sau:
Đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên.
Như vậy, từ 1/7/2025 người lao động hưởng lương hưu khi đóng BHXH tự nguyện từ đủ 15 năm trở lên.
Cách tính lương hưu BHXH tự nguyện thay đổi như thế nào?
Cách tính lương hưu BHXH tự nguyện thay đổi như thế nào?
Từ ngày 1/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực sẽ thay thế Luật Bảo hiểm xã hội 2014, do đó, cách tính lương hưu BHXH tự nguyện sẽ có một chút thay đổi. Cụ thể, cách tính lương hưu BHXH tự nguyện từ năm 2024 được thực hiện như sau:
(1) Giai đoạn trước ngày 1/7/2025 (Theo quy định tại Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
Mức lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng x Mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội
Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu được tính như sau:
* Về hưu trước 1/1/2018
Lao động nam: Tỷ lệ hưởng lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 15 năm) x 2%
Lao động nữ: Tỷ lệ hưởng lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 15 năm) x 3%
* Về hưu từ 1/1/2018
- Đối với lao động nữ: Tỷ lệ hưởng lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 15 năm) x 2%
- Đối với lao động nam:
+ Về hưu từ 01/01/2018: Tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 16 năm) x 2%.
+ Về hưu từ 01/01/2019: Tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 17 năm) x 2%.
+ Về hưu từ 01/01/2020: Tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 18 năm) x 2%.
+ Về hưu từ 01/01/2021: Tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 19 năm) x 2%.
+ Về hưu từ 01/01/2022: Tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 20 năm) x 2%.
Lưu ý: Tỷ lệ không vượt quá 75%.
(2) Giai đoạn từ ngày 1/7/2025 (Theo quy định tại Điều 99 Luật Bảo hiểm xã hội 2024)
Mức lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hằng tháng x Mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội
Trong đó, tỷ lệ hưởng lương hưu được tính như sau:
- Đối với lao động nữ: Tỷ lệ hưởng lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 15 năm) x 2%
- Đối với lao động nam:
+ Đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm: Tỷ lệ hưởng lương hưu = 40% + (Thời gian tham gia BHXH - 15 năm) x 1%.
+ Đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên: Tỷ lệ lương hưu = 45% + (Thời gian tham gia BHXH - 20 năm) x 2%.
Lưu ý: Tỷ lệ không vượt quá 75%.
Việc tính mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên nhưng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội ở Việt Nam dưới 15 năm thì mỗi năm đóng trong thời gian này được tính bằng 2,25% mức bình quân thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Bổ sung 2 nhóm người được tham gia BHXH tự nguyện từ 1/7/2025 gồm những ai?
Theo quy định hiện hành, tại khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 chỉ quy định người được tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc tại khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Tuy nhiên, từ 1/7/2025, theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, sẽ bổ sung 2 nhóm người mới được tham gia BHXH tự nguyện gồm:
- Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc và không phải là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hay trợ cấp hằng tháng;
- Những người đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc làm việc, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian này. Cụ thể gồm:
+ Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả khi thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng vẫn có nội dung thể hiện rằng làm có được trả công, trả lương, chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp quy định pháp luật.
+ Cán bộ, công chức, viên chức.