Cách sử dụng Sổ sức khoẻ điện tử VNeID khi đi khám chữa bệnh thế nào?
Cách sử dụng Sổ sức khoẻ điện tử VNeID khi đi khám chữa bệnh thế nào?
Sau đây là cách sử dụng Sổ sức khoẻ điện tử VNeID khi đi khám chữa bệnh:
Bước 1. Đăng ký và tạo tài khoản, xác thực:
Người lao động cần cài đặt ứng dụng VNeID và đã xác thực định danh mức độ 2, tích hợp thông tin thẻ BHYT (nếu có). Đăng nhập ứng dụng VNeID và truy cập vào ứng dụng “Sổ sức khoẻ điện tử”, đọc điều khoản và nhấn “Đồng ý sử dụng ứng dụng Sổ sức khoẻ điện tử VNeID”. Bổ sung đầy đủ các thông tin cá nhân như tên, ngày sinh, địa chỉ, số điện thoại, và thông tin y tế cơ bản khác.
Bước 2. Người dân sử dụng Sổ sức khoẻ điện tử VNeID khi đi khám, chữa bệnh:
Người lao động khi đi khám chữa bệnh nếu có Sổ sức khoẻ điện tử VNeID đề nghị xuất trình Sổ sức khoẻ VNeID thay cho sổ giấy.
Bước 3. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp nhận thông tin trong Sổ sức khoẻ điện tử VNeID khi khám, chữa bệnh:
Bác sĩ, nhân viên y tế sử dụng thông tin có trong Sổ sức khoẻ VNeID của người bệnh để khai thác thông tin hành chính, ra quyết định hỗ trợ chẩn đoán, điều trị.
Chú ý: các thông tin trên VNeID có giá trị như trên bản giấy: thông tin cá nhân; số định danh công dân; thông tin thẻ BHYT; lịch sử khám, chữa bệnh; phiếu hẹn khám lại; giấy chuyển tuyến trên ứng dụng VNeID có giá trị như trên bản giấy.
Bước 4. Ghi nhận và liên thông kết quả khám, chữa bệnh:
Các thông tin tóm tắt quá trình khám, chữa bệnh được bác sĩ và nhân viên y tế ghi nhận trên hệ thống phần mềm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, và liên thông lên Cổng tiếp nhận dữ liệu giám định BHYT sau khi kết thúc để tiếp tục hiển thị trên Sổ sức khoẻ điện tử VNeID phục vụ các lần khám bệnh, chữa bệnh tiếp theo.
Bước 5. Đăng xuất ứng dụng: đăng xuất khỏi tài khoản VNeID trước khi thay đổi thiết bị để bảo vệ thông tin cá nhân và thông tin sức khoẻ.
(Điều 6 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Quyết định 2733/QĐ-BYT năm 2024)
Cách sử dụng Sổ sức khoẻ điện tử VNeID khi đi khám chữa bệnh thế nào?(Hình từ Internet)
NLĐ phải đóng BHYT khi làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ bao nhiêu tháng?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 có quy định như sau:
Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế
1. Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng, bao gồm:
a) Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người lao động là người quản lý doanh nghiệp hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi chung là người lao động);
b) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.
2. Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng, bao gồm:
a) Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;
b) Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng;
c) Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng;
d) Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
3. Nhóm do ngân sách nhà nước đóng, bao gồm:
a) Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an;
...
Theo đó, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì phải đóng BHYT.
Mức hưởng bảo hiểm y tế được xác định thế nào?
Căn cứ theo Điều 3 Luật Bảo hiểm y tế 2008 được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 có quy định như sau:
Nguyên tắc bảo hiểm y tế
1. Bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm y tế.
2. Mức đóng bảo hiểm y tế được xác định theo tỷ lệ phần trăm của tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội (sau đây gọi chung là tiền lương tháng), tiền lương hưu, tiền trợ cấp hoặc mức lương cơ sở.
3. Mức hưởng bảo hiểm y tế theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi và thời gian tham gia bảo hiểm y tế.
4. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế do quỹ bảo hiểm y tế và người tham gia bảo hiểm y tế cùng chi trả.
5. Quỹ bảo hiểm y tế được quản lý tập trung, thống nhất, công khai, minh bạch, bảo đảm cân đối thu, chi và được Nhà nước bảo hộ.
Như vậy, mức hưởng bảo hiểm y tế được xác định theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng trong phạm vi quyền lợi và thời gian tham gia bảo hiểm y tế.