Cách quy đổi thời gian giảng dạy của giảng viên trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức?
- Giảng viên trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức phải đảm bảo thời gian làm việc như thế nào?
- Trường hợp nào áp dụng định mức giờ chuẩn đối với thời gian giảng dạy?
- Cách quy đổi thời gian giảng dạy của giảng viên trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức?
Giảng viên trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức phải đảm bảo thời gian làm việc như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Thông tư 01/2018/TT-BNV có đề cập như sau:
Thời gian làm việc của giảng viên
1. Thời gian làm việc của giảng viên thực hiện theo chế độ mỗi tuần làm việc 40 giờ.
2. Tổng quỹ thời gian làm việc của giảng viên trong một năm học để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập, bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác là 1760 giờ sau khi trừ số ngày nghỉ theo quy định.
Như vậy, theo quy định trên thì khi làm việc giảng viên trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức phải đảm bảo thời gian làm việc với chế độ 40 giờ mỗi tuần.
Thời gian giảng dạy giảng viên trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (Hình từ Internet)
Trường hợp nào áp dụng định mức giờ chuẩn đối với thời gian giảng dạy?
Căn cứ theo quy định tại Điều 21 Thông tư 01/2018/TT-BNV có đề cập như sau:
Áp dụng định mức giờ chuẩn
1. Giảng viên trong thời gian tập sự, thử việc ở cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chỉ thực hiện tối đa 50% định mức giờ chuẩn giảng dạy.
2. Giảng viên giảng dạy, nghiên cứu khoa học, hoạt động chuyên môn khác vượt định mức giờ chuẩn được hưởng chế độ dạy thêm giờ đối với thời gian vượt định mức, nhưng không quá 200 giờ chuẩn trong 01 năm.
3. Giảng viên làm nhiệm vụ chủ nhiệm lớp thì cứ chủ nhiệm một lớp được giảm 5% định mức giờ chuẩn quy định.
4. Giảng viên là nữ có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được giảm 10% định mức giờ chuẩn.
Trong việc đảm bảo thời gian làm việc theo quy định pháp luật, có một số trường hợp sẽ áp dụng thời gian khác phù hợp với vị trí, nhiệm vụ và tình hình thực tế của giảng viên.
Cách quy đổi thời gian giảng dạy của giảng viên trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức?
Căn cứ theo quy định tại Điều 19 Thông tư 01/2018/TT-BNV có đề cập như sau:
Giờ chuẩn giảng dạy, quy định mức giờ chuẩn giảng dạy và quy đổi ra giờ chuẩn giảng dạy
1. Giờ chuẩn giảng dạy: Là đơn vị thời gian quy đổi từ số giờ lao động cần thiết để hoàn thành một khối lượng công việc nhất định thuộc nhiệm vụ giảng dạy đối với mỗi chức danh tương đương với một tiết giảng lý thuyết, thực hành trên lớp, bao gồm thời gian lao động cần thiết trước, trong và sau tiết giảng.
2. Khung định mức giờ chuẩn giảng dạy:
a) Giảng viên: 270 giờ chuẩn trong một năm học, trong đó, giờ chuẩn trực tiếp lên lớp chiếm tối thiểu 50% định mức quy định;
b) Giảng viên chính: 290 giờ chuẩn trong một năm học, trong đó, giờ chuẩn trực tiếp lên lớp chiếm tối thiểu 50% định mức quy định;
a) Giảng viên cao cấp: 310 giờ chuẩn trong một năm học, trong đó, giờ chuẩn trực tiếp lên lớp chiếm tối thiểu 50% định mức quy định.
3. Người đứng đầu cơ sở đào tạo, bồi dưỡng quy định cụ thể định mức giờ chuẩn cho từng giảng viên phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị nhưng không cao hơn hoặc thấp hơn 15% so với định mức giờ chuẩn được quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Quy đổi thời gian thực hiện một số nhiệm vụ ra giờ chuẩn:
a) Một tiết giảng bài, hướng dẫn bài tập tình huống, thảo luận, giải đáp môn học, hướng dẫn ôn tập trên lớp được tính 1 giờ chuẩn;
b) Một tiết báo cáo chuyên đề được tính từ 1,0 đến 1,5 giờ chuẩn;
c) Một tiết hướng dẫn thực hành trên lớp được tính từ 0,5 đến 01 giờ chuẩn;
d) Hướng dẫn thực tập một ngày làm việc được tính từ 1,5 đến 02 giờ chuẩn;
đ) Hướng dẫn một học viên viết khóa luận; bản thu hoạch; đề án cuối khóa học được tính từ 08 đến 10 giờ chuẩn; đọc và nhận xét đánh giá 01 tiểu luận cuối khóa học của học viên được tính 02 giờ chuẩn một lượt;
e) Hướng dẫn học viên đi thực tế 01 ngày làm việc được tính từ 03 đến 04 giờ chuẩn.
5. Quy đổi thời gian thực hiện một số nhiệm vụ chuyên môn khác ra giờ chuẩn:
a) Soạn 01 đề kiểm tra, đề thi viết kèm theo đáp án được tính từ 01 đến 1,5 giờ chuẩn; 01 đề kiểm tra, đề thi trắc nghiệm kèm theo đáp án được tính từ 1,5 đến 02 giờ chuẩn; 01 đề kiểm tra, đề thi vấn đáp kèm theo đáp án được tính từ 01 đến 1,5 giờ chuẩn;
b) Coi kiểm tra, coi thi: 01 giờ được tính 0,5 giờ chuẩn;
c) Chấm kiểm tra, chấm thi: Mỗi lượt chấm 04 đến 06 bài kiểm tra viết, thi viết được tính 01 giờ chuẩn; mỗi lượt chấm 08 đến 10 bài kiểm tra trắc nghiệm, thi trắc nghiệm được tính 01 giờ chuẩn; chấm kiểm tra, thi vấn đáp, thực hành 01 học viên được tính 0,5 giờ chuẩn;
d) Chủ tịch Hội đồng thi, chấm khóa luận; bản thu hoạch; đề án cuối khóa 01 buổi được tính 02 giờ chuẩn; Phó Chủ tịch Hội đồng và Thư ký Hội đồng 01 buổi được tính 01 giờ chuẩn.
6. Căn cứ các quy định tại khoản 5 Điều này, người đứng đầu cơ sở đào tạo, bồi dưỡng quy đổi cụ thể thời gian soạn đề kiểm tra, đề thi; chấm kiểm tra, chấm thi ra giờ chuẩn đối với từng chương trình bồi dưỡng cho sát hợp với yêu cầu của từng chương trình và điều kiện thực tế.
Như vậy, thời gian làm việc chuẩn của giảng viên có thể quy đổi ra thời gian khi thực hiện các công việc như sau:
Quy đổi thời gian thực hiện một số nhiệm vụ:
- Một tiết giảng bài, hướng dẫn bài tập tình huống, thảo luận, giải đáp môn học, hướng dẫn ôn tập trên lớp: 1 giờ chuẩn;
- Một tiết báo cáo chuyên đề: 1,0 đến 1,5 giờ chuẩn;
- Một tiết hướng dẫn thực hành trên lớp: 0,5 đến 01 giờ chuẩn;
- Hướng dẫn thực tập một ngày làm việc: 1,5 đến 02 giờ chuẩn;
- Hướng dẫn một học viên viết khóa luận; bản thu hoạch; đề án cuối khóa học: 08 đến 10 giờ chuẩn;
- Đọc và nhận xét đánh giá 01 tiểu luận cuối khóa học của học viên: 02 giờ chuẩn một lượt;
- Hướng dẫn học viên đi thực tế 01 ngày làm việc: 03 đến 04 giờ chuẩn.
Quy đổi thời gian thực hiện một số nhiệm vụ chuyên môn khác:
- Soạn 01 đề kiểm tra, đề thi viết kèm theo đáp án: 01 đến 02 giờ chuẩn;
- Coi kiểm tra, coi thi: 01 giờ được tính 0,5 giờ chuẩn;
- Chấm kiểm tra, chấm thi: Mỗi lượt chấm 04 đến 06 bài kiểm tra viết, thi viết được tính 01 giờ chuẩn; mỗi lượt chấm 08 đến 10 bài kiểm tra trắc nghiệm, thi trắc nghiệm được tính 01 giờ chuẩn; chấm kiểm tra, thi vấn đáp, thực hành 01 học viên được tính 0,5 giờ chuẩn;
- Chủ tịch Hội đồng thi, chấm khóa luận; bản thu hoạch; đề án cuối khóa 01 buổi được tính 02 giờ chuẩn; Phó Chủ tịch Hội đồng và Thư ký Hội đồng 01 buổi được tính 01 giờ chuẩn.
Trường hợp giảng viên là giảng viên trong thời gian tập sự chỉ thực hiện tối đa 50% định mức giờ chuẩn thời gian giảng dạy. Còn giảng viên hạng 3 là 270 giờ chuẩn trong một năm học, trong đó, giờ chuẩn trực tiếp lên lớp chiếm tối thiểu 50% định mức quy định.