Cách kiểm tra điểm tín dụng chuẩn nhất? Công ty có quyền yêu cầu người lao động cung cấp điểm tín dụng không?
Cách kiểm tra điểm tín dụng chuẩn nhất?
CIC (Credit Information Centre) là tên viết tắt bằng Tiếng Anh của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam được quy định tại Điều 1 Thông tư 03/2013/TT-NHNN (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 2 Thông tư 27/2017/TT-NHNN). Hiện nay có 02 cách để kiểm tra điểm tín dụng CIC như sau:
Kiểm tra điểm tín dụng CIC trực tiếp
Kiểm tra điểm tín dụng trực tiếp là hình thức khách hàng đến chi nhánh hoặc phòng giao dịch bất kỳ của ngân hàng để đăng ký các hồ sơ mở tín dụng. Khách hàng sẽ được nhân viên ngân hàng hỗ trợ tra cứu điểm tín dụng cho khách hàng.
Các bước cụ thể bao gồm:
- Bước 1: Đến chi nhánh ngân hàng hoặc các văn phòng công ty tài chính
- Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký khoản vay cho nhân viên phụ trách và yêu cầu kiểm tra lịch sử tín dụng cá nhân;
- Bước 3: Dựa vào thông tin từ CMND/CCCD, ngân hàng sẽ truy xuất được dữ liệu lịch sử tín dụng trên hệ thống CIC và thông báo kết quả cho khách hàng.
Mỗi cá nhân bất kỳ sẽ được miễn phí tra cứu điểm tín dụng CIC định kỳ hằng năm 1 lần. Từ lần thứ 2 trở đi trong năm, quý khách sẽ phải nộp phí.
Kiểm tra điểm tín dụng online (trực tuyến)
Người lao động có thể kiểm tra điểm tính dụng online bằng hai cách sau đây:
Thông qua website
Bước 1: Truy cập vào website của trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam - CIC tại địa chỉ https://cic.gov.vn/. Sau đó, nhấp vào nút "Đăng ký" ở góc trên bên phải nếu bạn chưa có tài khoản.
Bước 2: Điền đầy đủ thông tin cá nhân vào biểu mẫu, bao gồm họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại, số CMND/CCCD và các thông tin khác. Lưu ý, khi đăng ký, bạn cần chụp đủ 3 bức ảnh của CMND/CCCD, bao gồm ảnh mặt trước, mặt sau và ảnh chân dung có kèm CMND/CCCD.
Bước 3: Hoàn tất đăng nhập bằng cách nhập mã OTP đã gửi đến số điện thoại dùng để đăng ký.
Bước 4: Phải chờ từ 1 đến 3 ngày để thông tin của mình được CIC xác nhận. Hệ thống sẽ gửi mail cho bạn về việc thông báo xác nhận thông tin.
Xem báo cáo. Nếu tài khoản của bạn được phê duyệt, bạn chỉ cần truy cập vào trang chủ của CIC và chọn mục "Khai thác báo cáo" trên thanh menu. Sau đó, đăng nhập bằng tài khoản tương ứng và làm theo các hướng dẫn để tra cứu thông tin về nợ xấu.
Thông qua App điện thoại
Ngoài ra, để kiểm tra nợ xấu, khách hàng có thể tải app CiCB - Credit info cho iOS hoặc cho Android.
Bước 1: Tải ứng dụng CIC (Credit Connect) về smartphone của mình
Bước 2: Sau khi tải và cài đặt thành công app, khách hàng cần tạo tài khoản cho mình bằng cách điền các thông tin pháp lý của cá nhân như số CMND, ảnh chụp CMND, ảnh chụp cá nhân, khai các thông tin như ngày tháng năm sinh, nơi sinh…
Sau khi cài đặt app và khởi tạo tài khoản thành công, khách hàng chờ CIC duyệt hồ sơ pháp lý và có thể sử dụng. Các thông tin CIC cung cấp bao gồm xếp hạng tín dụng bản thân, số nợ đang mang, có nợ nào là nợ xấu hay không…
Cách kiểm tra điểm tín dụng chuẩn nhất? Công ty có quyền yêu cầu người lao động cung cấp điểm tín dụng không? (Hình Internet)
Công ty có quyền yêu cầu người lao động cung cấp điểm tín dụng không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết hợp đồng lao động
1. Người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người lao động về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người lao động yêu cầu.
2. Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu.
Theo quy định trên khi giao kết hợp đồng lao động, người lao động phải cung cấp thông tin trung thực cho người sử dụng lao động về trình độ học vấn, trình độ kỹ năng nghề, xác nhận tình trạng sức khỏe và các vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết hợp đồng lao động mà người sử dụng lao động yêu cầu. Do đó nếu việc cung cấp điểm tín dụng là cần thiết cho công việc cũng như giao kết hợp đồng thì công ty có quyền yêu cầu người lao động cung cấp điểm CIC.
Người lao động cung cấp sai thông tin thì doanh nghiệp có quyền chấm dứt hợp đồng lao động không?
Căn cứ theo Điều 36 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động
1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động được xác định theo tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế đánh giá mức độ hoàn thành công việc do người sử dụng lao động ban hành nhưng phải tham khảo ý kiến tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở;
b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc đã điều trị 06 tháng liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Khi sức khỏe của người lao động bình phục thì người sử dụng lao động xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động với người lao động;
c) Do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa hoặc di dời, thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc;
d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 31 của Bộ luật này;
đ) Người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
e) Người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên;
g) Người lao động cung cấp không trung thực thông tin theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật này khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng người lao động.
...
Theo đó người lao động cung cấp sai thông tin khi giao kết hợp đồng lao động làm ảnh hưởng đến việc tuyển dụng của doanh nghiệp thì doanh nghiệp mới có quyền chấm dứt hợp đồng lao động.