Các hình thức xử lý kỷ luật lao động nào được áp dụng đối với lao động nữ đang mang thai?
Có bao nhiêu biện pháp xử lý kỷ luật người lao động?
Tại Điều 124 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Hình thức xử lý kỷ luật lao động
1. Khiển trách.
2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng.
3. Cách chức.
4. Sa thải.
Theo đó, người lao động nếu có hành vi vi phạm, không tuân theo kỷ luật hoặc tuân theo nhưng không đầy đủ hoặc không đúng có thể phải gánh chịu biện pháp xử lý kỷ luật nhất định tùy thuộc vào múc độ, tính chất của hành vi vi phạm.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, có 04 hình thức xử lý kỷ luật lao động như sau:
- Khiển trách;
- Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng;
- Cách chức;
- Sa thải và đây là hình thức xử lý kỷ luật nặng nhất.
Ngoài 04 hình thức kỷ luật nêu trên, người sử dụng lao động không được áp dụng bất kỳ hình thức kỷ luật nào khác đối với người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động.
Các hình thức xử lý kỷ luật lao động nào được áp dụng đối với lao động nữ đang mang thai? (Hình từ Internet)
Các hình thức xử lý kỷ luật lao động nào được áp dụng đối với lao động nữ đang mang thai?
Tại điểm d khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động
...
4. Không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:
...
d) Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
...
Đồng thời, tại khoản 3 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Bảo vệ thai sản
...
3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.
...
Theo đó, trong giai đoạn lao đông nữ mang thai, sinh con và nuôi con, người sử dụng lao động không được xử lý kỷ luật họ, đặc biệt không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với lao động nữ.
Tuy nhiên, quy định như vậy không có nghĩa là lao động nữ sẽ không bị xử lý kỷ luật, việc này có thể dẫn đến lao động nữ lợi dụng quy định này vi phạm kỷ luật lao động khi đang mang thai, sinh con và nuôi con, do đó, pháp luật quy định hết thời gian mang thai, sinh con và nuôi con, người sử dụng lao động vẫn có quyền tiến hành xử lý kỷ luật đối với họ. Cụ thể:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Lao động 2019, thời hiệu xử lý kỷ luật lao động tối đa là 06 tháng, kể từ ngày hành vi vi phạm xảy ra; trường hợp hành vi vi phạm liên quan đến tài chính, tài sản, tiết lộ bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh của người sử dụng lao động thì thời hiệu xử lý ký luật tối đa 12 tháng.
Trường hợp hết thời gian người lao động nữ mang thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà hết thời hiệu xử lý kỷ luật nói trên thì người sử dụng lao động có quyền kéo dài thời hiệu để xử lý kỷ luật lao động nhưng tối đã không quá 60 ngày.
Đối chiếu trường hợp của công ty anh, do chị P đang mang thai 5 tháng nên công ty không thể áp dụng biện pháp xử lý kỷ luật đối với chị P theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi của công ty anh, cũng như đảm bảo tính kỷ luật tại nơi làm việc, sau khi chị P thời gian mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi, công ty anh có thể kéo dài thời hạn xử lý kỷ luật đối với chị P 60 ngày theo quy định của pháp luật.
Hành vi nào bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động?
Tại Điều 127 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động
1. Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động.
2. Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động.
3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.
Theo đó, xử lý kỷ luật lao động, pháp luật nghiêm cấm người sử dụng lao động thực hiện những hành vi nêu trên.