Các hành vi bị cấm trong hoạt động Công đoàn từ 01/7/2025 là những hành vi nào?
Các hành vi bị cấm trong hoạt động công đoàn từ 01/7/2025 là những hành vi nào?
Căn cứ theo Điều 10 Luật Công đoàn 2024, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động Công đoàn bao gồm:
(1) Cản trở, gây khó khăn trong việc thực hiện quyền Công đoàn.
(2) Phân biệt đối xử đối với người lao động, cán bộ Công đoàn vì lý do thành lập, gia nhập hoặc hoạt động Công đoàn, bao gồm các hành vi sau đây:
- Yêu cầu tham gia, không tham gia hoặc ra khỏi Công đoàn Việt Nam để được tuyển dụng, giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc;
- Sa thải, kỷ luật, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; không tiếp tục giao kết hoặc gia hạn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc; chuyển người lao động làm công việc khác;
- Phân biệt đối xử về tiền lương, thưởng, phúc lợi, thời giờ làm việc, các quyền và nghĩa vụ khác trong lao động;
- Kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng và phân biệt đối xử khác trong lao động;
- Thông tin không đúng sự thật nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của cán bộ Công đoàn;
- Hứa hẹn, cung cấp lợi ích vật chất, lợi ích phi vật chất để người lao động, cán bộ Công đoàn không tham gia hoạt động Công đoàn, thôi làm cán bộ Công đoàn hoặc có hành vi chống lại Công đoàn;
- Chi phối, cản trở, gây khó khăn liên quan đến công việc nhằm làm suy yếu hoạt động Công đoàn;
- Hành vi khác theo quy định của pháp luật.
(3) Sử dụng biện pháp kinh tế, đe dọa tinh thần hoặc biện pháp khác gây bất lợi đối với tổ chức Công đoàn, can thiệp, thao túng quá trình thành lập, hoạt động của Công đoàn, làm suy yếu hoặc vô hiệu hóa việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền, trách nhiệm của Công đoàn.
(4) Không bảo đảm các điều kiện hoạt động Công đoàn và cán bộ Công đoàn theo quy định của pháp luật.
(5) Không đóng kinh phí Công đoàn; chậm đóng kinh phí Công đoàn; đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định; đóng kinh phí Công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng; quản lý, sử dụng kinh phí Công đoàn không đúng quy định.
(6) Nhận viện trợ, tài trợ, tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật trái quy định của pháp luật.
(7) Lợi dụng quyền Công đoàn để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân.
(8) Thông tin không đúng sự thật, kích động, xuyên tạc, phỉ báng về tổ chức và hoạt động Công đoàn.
Các hành vi bị cấm trong hoạt động Công đoàn từ 01/7/2025 là những hành vi nào?
Người sử dụng lao động có trách nhiệm gì đối với Công đoàn?
Căn cứ theo Điều 25 Luật Công đoàn 2024 quy định, trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với Công đoàn bao gồm:
- Thừa nhận, tôn trọng, tạo điều kiện và không cản trở, gây khó khăn khi người lao động tiến hành các hoạt động hợp pháp để thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
- Phối hợp với Công đoàn thực hiện chức năng, quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với Công đoàn cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp mình xây dựng, ban hành và thực hiện quy chế phối hợp hoạt động giữa hai bên.
- Thừa nhận và tạo điều kiện để Công đoàn cơ sở thực hiện quyền, trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
- Trao đổi, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin liên quan đến tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật khi Công đoàn đề nghị, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Phối hợp với Công đoàn tổ chức đối thoại, thương lượng tập thể, ký kết, thực hiện thỏa ước lao động tập thể và quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở, tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật.
- Lấy ý kiến của Công đoàn trước khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động theo quy định của pháp luật.
- Phối hợp với Công đoàn giải quyết tranh chấp lao động và những vấn đề liên quan đến việc thực hiện pháp luật về lao động theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm điều kiện hoạt động Công đoàn, cán bộ Công đoàn theo quy định của pháp luật và đóng kinh phí Công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn 2024.
Người lao động là công dân nước ngoài được gia nhập Công đoàn không?
Căn cứ theo Điều 5 Luật Công đoàn 2024 quy định như sau:
Quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn
1. Người lao động Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.
2. Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở.
3. Việc thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn thực hiện theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo đó, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên được gia nhập Công đoàn tại Công đoàn cơ sở.
*Luật Công đoàn 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.