Các cơ sở đào tạo phải khẩn trương xây dựng đề án đề xuất tham gia Chương trình 1017, cụ thể thế nào?
Các cơ sở đào tạo phải khẩn trương xây dựng đề án đề xuất tham gia Chương trình 1017, cụ thể thế nào?
Theo Công văn 7781/BGDĐT-GDĐH năm 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở đào tạo có nhiệm vụ trong Chương trình 1017 của Thủ tướng Chính phủ bao gồm các đại học, học viện, trường đại học, các trường sĩ quan có đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, các viện nghiên cứu có đào tạo trình độ tiến sĩ.
Theo Mục 1 Công văn 7781/BGDĐT-GDĐH năm 2024, các cơ sở đào tạo nêu trên căn cứ vào năng lực thực tế và định hướng phát triển về đào tạo và nghiên cứu trong ngành công nghiệp bán dẫn, khẩn trương xây dựng đề án đề xuất tham gia Chương trình 1017.
Cụ thể, phải xây dựng đề án đề xuất đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn với những nội dung yêu cầu như sau:
(1) Về chương trình đào tạo (CTĐT): Đề nghị nêu rõ các ngành đào tạo phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đề xuất cần nêu rõ CTĐT “tài năng” hay CTĐT “chuẩn”.
- Xác định rõ tên CTĐT, tên ngành đào tạo, mã ngành đào tạo, trình độ đào tạo và mô tả tóm tắt về CTĐT (Đối tượng tuyển sinh, điều kiện đầu vào, chuẩn đầu ra,…). cở sở đào tạo gửi kèm theo đề án CTĐT (hoặc dự thảo CTĐT).
- Thuyết minh sự phù hợp với mục tiêu, đối tượng, phạm vi của Chương trình 1017 và làm rõ phục vụ công đoạn nào trong ngành công nghiệp bán dẫn.
(2) Về kế hoạch tuyển sinh và đào tạo: Xây dựng kế hoạch quy mô tuyển sinh, quy mô đào tạo theo CTĐT; thống kê số lượng tuyển sinh đầu vào qua các năm vừa qua (trong 03 năm gần nhất) và dự kiến số lượng tuyển mới, số lượng tốt nghiệp theo từng năm tới hết năm 2030.
(3) Về năng lực, kinh nghiệm hiện có của cơ sở đào tạo và các kế hoạch phát triển:
- Mô tả hiện trạng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên và kế hoạch đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên (tuyển dụng mới, đào tạo trong nước/ngoài nước, đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn/dài hạn, dự kiến mời giảng viên, chuyên gia nước ngoài). Nhiệm vụ phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên cần bám sát các nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Chương trình 1017.
- Mô tả cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm hiện có và đề xuất đầu tư mới (đề xuất các dự án, các phòng thí nghiệm dự kiến đầu tư trong đó mô tả sơ bộ, dự kiến quy mô đầu tư mức độ nào, danh mục trang thiết bị trong phòng thí nghiệm để xác định tổng mức đầu tư). Đề nghị xác định rõ nguồn đầu tư (từ ngân sách nhà nước, từ nguồn tự có của CSĐT, từ hợp tác với tổ chức, doanh nghiệp,…).
- Về hoạt động khoa học và công nghệ: Mô tả năng lực nghiên cứu gắn với đổi mới sáng tạo, các thành tích hiện có và dự kiến trong thời gian tới trong ngành công nghiệp bán dẫn.
- Về hợp tác doanh nghiệp và quốc tế: Mô tả các hoạt động hợp tác doanh nghiệp, hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
- Mô tả cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo đối với CTĐT của CSĐT (đối với giảng viên, với người học như hỗ trợ học phí/học bổng, hỗ trợ gắn kết doanh nghiệp, hợp tác quốc tế,…).
- Đội ngũ quản lý triển khai: xác định rõ đầu mối phụ trách việc triển khai thực hiện đề án; đầu mối phụ trách từng CTĐT (nếu có).
(4) Các đề xuất, kiến nghị (nếu có).
(5) Kèm theo các phụ lục chi tiết/minh chứng: CTĐT, danh sách đội ngũ giảng viên, thống kê mô tả cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, mô tả kỹ hơn các dự án chuẩn bị/hỗ trợ đào tạo và nghiên cứu (nếu có), các công trình/thành tích nghiên cứu; cơ chế chính sách đã ban hành (VD: hỗ trợ học phí/học bổng; hợp tác doanh nghiệp,…).
Thủ tướng yêu cầu các cơ sở đào tạo phải khẩn trương xây dựng đề án đề xuất tham gia Chương trình 1017, cụ thể thế nào?
Chương trình 1017 là chương trình gì?
Ngày 21/9/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1017/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.
Theo đó, trong Công văn 7781/BGDĐT-GDĐH năm 2024 đã gọi Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” trong Quyết định 1017/QĐ-TTg năm 2024 của Thủ tướng là Chương trình 1017.
Như vậy, có thể hiểu, Chương trình 1017 là Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” do Thủ tướng Chính phủ phể duyệt.
Đây là một Chương trình hướng đến việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và các chiến lược phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn, định hướng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam và xu hướng phát triển trên thế giới.
Theo Quyết định 1017/QĐ-TTg năm 2024, việc đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn là “đột phá của đột phá” trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam, việc đào tạo nhân lực công nghiệp bán dẫn sẽ được áp dụng cơ chế chính sách đặc thù, đột phá, cạnh tranh về ưu đãi đầu tư, sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, thu hút chuyên gia, nhân tài, hỗ trợ tài chính cho giảng viên và người học.
Kinh phí thực hiện Chương trình 1017 đến từ những nguồn nào?
Tại Mục 4 Quyết định 1017/QĐ-TTg năm 2024 có nêu rõ:
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Chương trình được bảo đảm bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước, bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật về đầu tư công; nguồn đầu tư, tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
...
Như vậy, kinh phí thực hiện Chương trình 1017 được bảo đảm bố trí từ các nguồn sau đây:
- Ngân sách nhà nước, bao gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước 2015 và quy định của pháp luật về đầu tư công;
- Nguồn đầu tư, tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.