Bổ sung thêm 03 trường hợp giải quyết tranh chấp lao động cá nhân không cần hòa giải?
Giải quyết tranh chấp lao động phải tuân theo những nguyên tắc nào?
Căn cứ quy định tại Điều 180 Bộ luật Lao động 2019 quy định nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động bao gồm:
- Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
- Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.
- Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.
- Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
- Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.
Bổ sung thêm 03 trường hợp giải quyết tranh chấp lao động cá nhân không cần hòa giải? (Hình ảnh từ Internet)
Giải quyết tranh chấp lao động cá nhân thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân nào?
Căn cứ Điều 187 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, cụ thể như sau:
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:
1. Hòa giải viên lao động;
2. Hội đồng trọng tài lao động;
3. Tòa án nhân dân.
Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân bao gồm:
- Hòa giải viên lao động;
- Hội đồng trọng tài lao động;
- Tòa án nhân dân.
Bổ sung thêm 03 trường hợp giải quyết tranh chấp lao động cá nhân không cần hòa giải?
Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết, tuy nhiên vẫn có các trường hợp tranh chấp lao động cá nhân không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải.
Căn cứ khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động 2019 quy định về những tranh chấp lao động cá nhân không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải, cụ thể bao gồm các tranh chấp về:
- Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
- Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
- Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
- Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
- Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
- Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
Đối chiếu với các quy định cũ tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật Lao động 2012 (có hiệu lực từ 01/05/2013 - 01/01/2021) quy định về những tranh chấp lao động không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải bao gồm:
- Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
- Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
- Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
- Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
- Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Về cơ bản, Bộ luật Lao động 2012 đã kế thừa những trường hợp tranh chấp lao động cá nhân không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải tại Bộ luật Lao động 1994 (VB hết hiệu lực: 01/05/2013) được sửa đổi bởi Bộ Luật lao động sửa đổi 2006, và bổ sung thêm trường hợp về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
Kể từ ngày 01/01/2021 Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực đã bổ sung thêm 03 trường hợp tranh chấp lao động cá nhân không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải so với quy định tại Bộ luật Lao động 2012, cụ thể bổ sung trường hợp tranh chấp:
- Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
- Về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm.
- Về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.