Bên thuê lại lao động có phải thỏa thuận với người lao động thuê lại về làm việc vào ban đêm hay không?
- Bên thuê lại lao động có phải thỏa thuận với người lao động thuê lại về làm việc vào ban đêm hay không?
- Làm việc vào ban đêm thì người lao động thuê lại có được trả thêm tiền không?
- Người lao động thuê lại làm việc vào ban đêm thì có nghỉ ngơi không?
- Người chưa đủ 15 tuổi có được làm việc vào ban đêm không?
Bên thuê lại lao động có phải thỏa thuận với người lao động thuê lại về làm việc vào ban đêm hay không?
Căn cứ Điều 57 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động
1. Thông báo, hướng dẫn cho người lao động thuê lại biết nội quy lao động và các quy chế khác của mình.
2. Không được phân biệt đối xử về điều kiện lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình.
3. Thỏa thuận với người lao động thuê lại về làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ theo quy định của Bộ luật này.
4. Thỏa thuận với người lao động thuê lại và doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng chính thức người lao động thuê lại làm việc cho mình trong trường hợp hợp đồng lao động của người lao động thuê lại với doanh nghiệp cho thuê lại lao động chưa chấm dứt.
5. Trả lại người lao động thuê lại không đáp ứng yêu cầu như đã thỏa thuận hoặc vi phạm kỷ luật lao động cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động.
6. Cung cấp cho doanh nghiệp cho thuê lại lao động chứng cứ về hành vi vi phạm kỷ luật lao động của người lao động thuê lại để xem xét xử lý kỷ luật lao động.
Như vậy, theo quy định trên thì bên thuê lại lao động có nghĩa vụ phải thỏa thuận với người lao động thuê lại về làm việc vào ban đêm theo quy định.
Bên thuê lại lao động có phải thỏa thuận với người lao động thuê lại về làm việc vào ban đêm hay không? (Hình từ Internet)
Làm việc vào ban đêm thì người lao động thuê lại có được trả thêm tiền không?
Căn cứ Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm
1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, theo quy định trên, thì khi người lao động thuê lại khi làm việc vào ban đêm sẽ được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Người lao động thuê lại làm việc vào ban đêm thì có nghỉ ngơi không?
Căn cứ khoản 1 Điều 109 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nghỉ trong giờ làm việc
1. Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.
Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.
2. Ngoài thời gian nghỉ quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.
Như vậy, theo quy định trên, người lao động thuê lại làm việc ban đêm sẽ được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục. Thời gian nghỉ này cũng được tính cho người lao động làm việc từ 06 giờ trở lên trong một ngày, trong đó có ít nhất 03 giờ làm việc thuộc khung giờ làm việc ban đêm theo quy định tại khoản 1 Điều 64 Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Thời gian nghỉ giữa giờ của người lao động cũng được tính vào thời giờ làm việc để hưởng lương nếu người lao động làm việc theo ca liên tục.
Người chưa đủ 15 tuổi có được làm việc vào ban đêm không?
Căn cứ Điều 146 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Thời giờ làm việc của người chưa thành niên
1. Thời giờ làm việc của người chưa đủ 15 tuổi không được quá 04 giờ trong 01 ngày và 20 giờ trong 01 tuần; không được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.
2. Thời giờ làm việc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không được quá 08 giờ trong 01 ngày và 40 giờ trong 01 tuần. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong một số nghề, công việc theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.
Như vậy, người lao động chưa đủ 15 tuổi không được làm việc vào ban đêm.