Bầu cử, sử dụng, quản lý cán bộ làm việc tại xã, phường, thị trấn của Thành phố Hồ Chí Minh thế nào?
Bầu cử, sử dụng, quản lý cán bộ làm việc tại xã, phường, thị trấn của Thành phố Hồ Chí Minh thế nào?
Theo Điều 2 Nghị định 07/2024/NĐ-CP quy định việc thực hiện bầu cử, sử dụng, quản lý cán bộ làm việc tại xã, phường, thị trấn của Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
- Việc bầu cử, sử dụng, quản lý, bãi nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ đối với cán bộ làm việc tại xã, phường, thị trấn của Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức 2008, Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015 và quy định khác của pháp luật có liên quan, điều lệ, quy định của Đảng và của tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương.
- Sau khi cấp có thẩm quyền phê chuẩn kết quả bầu cử hoặc chỉ định chức vụ cán bộ cấp xã, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh căn cứ vào tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức ban hành quyết định bổ nhiệm vào ngạch công chức và xếp lương đối với cán bộ cấp xã. Quyết định này có giá trị như quyết định tuyển dụng công chức đối với các trường hợp chưa là công chức để xem xét bố trí, phân công công tác theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 07/2024/NĐ-CP.
- Phụ cấp chức vụ lãnh đạo của cán bộ làm việc tại xã, phường, thị trấn của Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo quy định của Chính phủ về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
- Theo yêu cầu, nhiệm vụ công tác hoặc khi thôi đảm nhiệm chức vụ (không trong thời hạn bị xử lý kỷ luật), cán bộ làm việc tại xã, phường, thị trấn được bố trí, phân công công tác, điều động, chuyển sang làm công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn hoặc công chức từ cấp huyện trở lên nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm mới. Việc bổ nhiệm vào ngạch công chức và xếp lương tại vị trí việc làm mới thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý công chức.
Bầu cử, sử dụng, quản lý cán bộ làm việc tại xã, phường, thị trấn của Thành phố Hồ Chí Minh thế nào? (Hình từ Internet)
Quản lý cán bộ công chức thực hiện theo nguyên tắc nào?
Theo Điều 5 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định:
Các nguyên tắc quản lý cán bộ, công chức
1. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước.
2. Kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế.
3. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ trách nhiệm cá nhân và phân công, phân cấp rõ ràng.
4. Việc sử dụng, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức phải dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực thi hành công vụ.
5. Thực hiện bình đẳng giới.
Theo đó việc quản lý cán bộ công chức thực hiện 05 theo nguyên tắc gồm:
- Bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý của Nhà nước.
- Kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế.
- Thực hiện các nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ trách nhiệm cá nhân và phân công, phân cấp rõ ràng.
- Việc sử dụng, đánh giá, phân loại cán bộ công chức dựa trên phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực thi hành công vụ.
- Ngoài ra còn thực hiện bình đẳng giới.
Cán bộ công chức trong thi hành công vụ có nghĩa vụ thế nào?
Theo Điều 9 Luật Cán bộ, công chức 2008 quy định thì cán bộ công chức trong thi hành công vụ có các nghĩa vụ sau:
- Thực hiện đúng, đầy đủ và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
- Có ý thức tổ chức kỷ luật; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; báo cáo người có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; bảo vệ bí mật nhà nước.
- Chủ động và phối hợp chặt chẽ trong thi hành công vụ; giữ gìn đoàn kết trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
- Bảo vệ, quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài sản nhà nước được giao.
- Chấp hành quyết định của cấp trên. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định. Người ra quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
- Ngoài ra cán bộ công chức còn có các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.