Bắt đầu kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh cho bác sỹ vào thời gian nào?
Bắt đầu kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh cho bác sỹ vào thời gian nào?
Căn cứ tại Điều 24 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định:
Kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
1. Việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trước khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề áp dụng đối với các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng.
2. Người tham dự kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có văn bằng phù hợp với từng chức danh chuyên môn quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Đã hoàn thành việc thực hành khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 23 của Luật này.
3. Việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh do Hội đồng Y khoa Quốc gia chủ trì tổ chức thực hiện.
4. Người tham dự kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải chi trả chi phí kiểm tra đánh giá.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Đồng thời, theo Điều 120 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 quy định hiệu lực thi hành có đề cập về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh như sau:
Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024, trừ trường hợp quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 9 Điều này.
2. Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 40/2009/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
3. Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định sau đây:
a) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2027 đối với chức danh bác sỹ;
b) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2028 đối với các chức danh y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh;
c) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2029 đối với các chức danh kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện và tâm lý lâm sàng.
...
Như vậy, từ ngày 01 tháng 01 năm 2027 đối với chức danh bác sỹ sẽ thực hiện kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Có văn bằng phù hợp với từng chức danh chuyên môn quy định
- Đã hoàn thành việc thực hành khám chữa bệnh theo quy định.
Lưu ý: trường hợp người đề nghị cấp giấy phép hành nghề theo chức danh bác sỹ từ ngày 01 tháng 01 năm 2024 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2026 thì không phải thực hiện việc kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề (quy định tại khoản 6 Điều 121 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023).
Bắt đầu kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh cho bác sỹ vào thời gian nào?
Nội dung kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh được quy định như thế nào?
Căn cứ tại Điều 9 Nghị định 96/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định:
Tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
1. Nội dung kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng thực hiện dựa trên chuẩn năng lực nghề nghiệp tương ứng với từng chức danh và bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
2. Hội đồng Y khoa Quốc gia xây dựng Quy chế kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; tiêu chí của cơ sở là địa điểm tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt.
3. Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện việc:
a) Chủ trì tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo Quy chế kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh tại khoản 2 Điều này;
b) Lựa chọn cơ sở là địa điểm tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng theo tiêu chí đã được phê duyệt.
4. Hội đồng Y khoa Quốc gia xây dựng cụ thể mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng chi phí kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trình Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt.
Theo đó, nội dung kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám chữa bệnh của các chức danh bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, dinh dưỡng lâm sàng, cấp cứu viên ngoại viện, tâm lý lâm sàng thực hiện dựa trên chuẩn năng lực nghề nghiệp tương ứng với từng chức danh và bộ công cụ đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Thời gian thực hành khám chữa bệnh đối với bác sỹ là bao lâu?
Căn cứ tại Điều 3 Nghị định 96/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định:
Thời gian, nội dung thực hành để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh
1. Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh bác sỹ là 12 tháng, trong đó:
a) Thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 09 tháng;
b) Thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 03 tháng.
2. Thời gian thực hành khám bệnh, chữa bệnh đối với chức danh y sỹ là 09 tháng, trong đó:
a) Thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 06 tháng;
b) Thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 03 tháng.
...
Theo đó, thời gian thực hành khám chữa bệnh đối với bác sỹ là 12 tháng, trong đó:
- Thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh là 09 tháng;
- Thời gian thực hành chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh về hồi sức cấp cứu là 03 tháng.