Bắt buộc đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng cho người lao động từ tháng 04/2023?
Bắt buộc đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng cho người lao động từ tháng 04/2023?
Căn cứ Điều 16 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 2 Quyết định 490/QĐ-BHXH năm 2023 về phương thức đóng tiền bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động có quy định như sau:
Phương thức đóng
Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng BHTN và trích tiền lương của từng người lao động theo mức quy định để đóng cùng một lúc vào Quỹ BHTN.
Như vậy, kể từ ngày 01/04/2023, tất cả các trường hợp người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng và trích tiền lương của từng người lao động theo mức quy định để đóng cùng một lúc vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Bắt buộc đóng bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng cho người lao động từ 04/2023?
Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động và người sử dụng lao động là bao nhiêu?
Căn cứ Điều 14 Quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp có quy định như sau:
Mức đóng và trách nhiệm đóng theo quy định tại Điều 57 Luật Việc làm và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như sau:
1. Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng;
2. Đơn vị đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN.
Vậy, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động bằng 1% tiền lương tháng. Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 58 Luật Việc làm 2013 về tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp có quy định như sau:
Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp
1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn hai mươi tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng hai mươi tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.
2. Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội. Trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn hai mươi tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng hai mươi tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Như vậy, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp phụ thuộc vào chế độ tiền lương của từng đối tượng, cụ thể:
- Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng hai mươi tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP mức lương cơ sở là 1,490,000 đồng.
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 69/2022/QH15 thì tăng lương cơ sở từ ngày 01/07/2023 thành 1,800,000 đồng.
Do đó mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa cũng thay đổi theo. Tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa đối với nhóm đối tượng được trả lương theo nhà nước từ 298.000 đồng/tháng lên 360.000 đồng/tháng.
- Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trường hợp mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng hai mươi tháng lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Để biết mức lương tối thiểu vùng tại nơi làm mình làm việc thì Tra cứu lương tối thiểu vùng tại đây.