Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì? Làm sao để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện?
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì?
Theo quy định tại Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có giải thích bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
Trong đó bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng sao cho phù hợp với thu nhập của mình và được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Căn cứ theo Điều 2 Nghị định 134/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện có quy định người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 2 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH có quy định cụ thể những đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như sau:
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi;
- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, sóc, làng, tổ dân phố, khu, khu phố;
- Người lao động giúp việc gia đình;
- Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;
- Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
- Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;
- Người lao động đã đủ Điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ Điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
- Người tham gia khác.
Từ các quy định trên có thể hiểu bảo hiểm xã hội tự nguyện là bảo hiểm dành cho công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì? Làm sao để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện?
Làm sao để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 31, Điều 33 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017 được sửa đổi bởi khoản 36, 37, 38, 56, 92 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020 về thủ tục đăng ký BHXH tự nguyện như sau:
Bước 1: Lập và nộp hồ sơ
- Trường hợp người tham gia đóng trực tiếp cho cơ quan BHXH:
+ Kê khai Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT; nộp tại Bộ phận Một cửa của cơ quan BHXH hoặc tại Trung tâm Phục vụ HCC các cấp.
- Trường hợp người tham gia đóng trực tiếp cho Đại lý thu:
+ Kê khai Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT nộp cho Đại lý thu.
+ Đại lý thu lập Danh sách người tham gia BHXH tự nguyện (Mẫu D05-TS) Tờ khai Mẫu TK1-TS của người tham gia nộp cho cơ quan BHXH.
Bước 2: Người tham gia đóng tiền
Bước 3: Cơ quan BHXH tiếp nhận hồ sơ và giải quyết theo quy định.
Không quá 05 ngày kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Bước 4: Nhận kết quả giải quyết là sổ BHXH và thông báo, xác nhận thời gian đóng BHXH hằng năm.
Mức nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là bao nhiêu?
Căn cứ theo Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định hiện nay các mức hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với một số đối tượng, cụ thể như sau:
Hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
1. Mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ:
Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này, cụ thể:
a) Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo;
b) Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo;
c) Bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phù hợp.
...
Như vậy, nhà nước hỗ trợ người lao động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể là 22%.
Đồng thời căn cứ theo khoản 1 Điều 1 Quyết định 59/2015/QĐ-TTg (có hiệu lực từ 05/01/2016 - 12/12/2022): Thì mức chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2018 - 2021 khu vực nông thông là 700.000 đồng/người/tháng
Và theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP: Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025 khu vực nông thông là 1.500.000 đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 17 Nghị định 134/2015/NĐ-CP có nêu về thời điểm nhà nước hỗ trợ người lao động đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội của Nhà nước đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2018. Không hỗ trợ tiền đóng đối với thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện trước ngày 01 tháng 01 năm 2018.
Trừ trường hợp đóng một lần cho những năm còn thiếu theo phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Như vậy từ năm 2022 mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện của Nhà nước cho các đối tượng tham gia như sau:
Đối tượng | Mức nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện/tháng (Từ 01/2022 - 12/2025) |
Hộ nghèo | 0,22 x 1.500.000 x 30% |
Hộ cận nghèo | 0,22 x 1.500.000 x 25% |
Đối tượng khác | 0,22 x 1.500.000 x 10% |