Bảo hiểm xã hội quận Đống Đa ở đâu? NLĐ đóng BHXH theo tháng hay quý?
Bảo hiểm xã hội quận Đống Đa ở đâu?
Theo ghi nhận từ Cổng thông tin Bảo hiểm xã hội Thành phố Hà Nội, Bảo hiểm xã hội quận Đống Đa có địa chỉ tại số 44 phố Trần Hữu Tước, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Điện thoại: 39.747.409
Bảo hiểm xã hội quận Đống Đa có chức năng, nhiệm vụ sau:
Chức năng:
- Giúp Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố tổ chức thực hiện các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý tài chính bảo hiểm xã hội trên địa bàn huyện.
- Chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố, chịu sự quản lý hành chính trên địa bàn lãnh thổ của UBND quận.
Nhiệm vụ:
- Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác năm trình Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố phê duyệt và tổ chức thực hiện.
- Hướng dẫn đơn vị sử dụng lao động lập danh sách tham gia bảo hiểm xã hội đôn đốc, theo dõi việc thu nộp bảo hiểm xã hội của các đơn vị trên địa bàn huyện hoặc trực tiếp thu bảo hiểm xã hội theo phân cấp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Thành phố.
- Tiếp nhận kinh phí, danh sách và tổ chức chi trả cho các đối tượng hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội do Bảo hiểm xã hội Thành phố chuyển đến theo phân cấp. Theo dõi việc thay đổi địa chỉ, danh sách tăng, giảm đối tượng hưởng chế độ trong quá trình chi trả.
- Tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội để giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo với Bảo hiểm xã hội Thành phố xem xét, giải quyết.
- Tổ chức ký kết hợp đồng trách nhiệm và quản lý mạng lưới chi trả bảo hiểm xã hội ở xã, phường, thị trấn
- Quản lý các loại đối tượng khám chữa bệnh bắt buộc và tự nguyện theo quy định của Bảo hiểm xã hội Thành phố trên địa bàn phụ trách hướng dẫn đôn đốc các đơn vị thực hiện các thủ tục phục vụ cho việc khai thác phát hành hoặc gia hạn thẻ khám chữa bệnh theo phân cấp của Bảo hiểm xã hội Thành phố.
- Thực hiện công tác giám định chi phí khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh. Tiếp nhận và hướng dẫn người bệnh trong quá trình đến khám chữa bệnh, giải quyết những vướng mắc và đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân thẻ BHYT.
- Thực hiện việc thông tin, tuyên truyền, giải thích chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội trên địa bàn.
- Quản lý công chức, viên chức, tài chính và tài sản thuộc Bảo hiểm xã hội quận theo phân cấp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Thành phố.
Bảo hiểm xã hội quận Đống Đa ở đâu?
Người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo tháng hay quý?
Tùy loại hình bảo hiểm xã hội người lao động đăng ký tham gia mà phương thức đóng sẽ được quy định khác nhau. Cụ thể:
(1) Đối với Bảo hiểm xã hội bắt buộc:
Theo quy định tại Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và hướng dẫn tại Điều 7 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020, được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 3 Quyết định 490/QĐ-BHXH năm 2023 người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo phương thức sau:
- Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo tháng: Áp dụng với tất cả người lao động.
- Đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quý (3 tháng) hoặc 06 tháng/lần: Áp dụng với người lao động hưởng tiền lương theo sản phẩm, theo khoán tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp.
(2) Đối với Bảo hiểm xã hội tự nguyện:
Theo quy định tại Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 9 Quy trình ban hành kèm theo Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH năm 2020 người lao động được chọn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức sau:
- Đóng hằng tháng.
- Đóng 03 tháng/lần.
- Đóng 06 tháng/lần.
- Đóng 12 tháng/lần.
- Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm/lần.
- Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Trường hợp đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu vào tháng đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu.
Trước tháng 7/2025 nghỉ việc được rút bao nhiêu tiền bảo hiểm xã hội một lần?
Căn cứ theo Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 thì người lao động nghỉ việc đủ điều kiện được rút BHXH một lần thì mức tiền bảo hiểm xã hội một lần được xác định như sau:
(1) Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
- 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.
(2) Mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau:
- 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014;
- 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.