Ai được phép thực hiện bảo dưỡng chai chứa khí trong công việc hàn hơi?
Ai được phép thực hiện bảo dưỡng chai chứa khí trong công việc hàn hơi?
Tại tiểu mục 3.4.2 Mục 3 QCVN 17:2013/BLĐTBXH có quy định như sau:
Điều kiện đảm bảo an toàn các thiết bị hàn hơi trong quá trình sử dụng
3.1. Chỉ sử dụng những thiết bị hàn hơi đã được chứng nhận hợp quy và ghi nhãn theo quy định hiện hành.
3.2. Các thiết bị hàn hơi phải được vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, bảo dưỡng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và các quy định hiện hành.
3.3. Việc đảm bảo an toàn các thiết bị hàn hơi phải tuân thủ các quy định tại mục 2 (quy định về kỹ thuật) của Quy chuẩn này.
3.4. Ngoài ra phải tuân theo những quy định cụ thể sau:
3.4.1. Người sử dụng có trách nhiệm sử dụng an toàn chai và khí chứa trong chai (oxy, axetylen, PLG), trả lại cho người sản xuất khí hoặc người cung cấp các chai trong trạng thái an toàn như khi nhận chai. Người sử dụng phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa dưới đây liên quan đến các chai chứa và các phụ kiện của chúng.
3.4.2. Chỉ những người được đào tạo do người chủ sở hữu chai ủy quyền và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép mới được bảo dưỡng chai và các phụ kiện của chúng.
3.4.3. Người sử dụng không được tháo hoặc thay đổi nhãn ghi trên chai. Chỉ người chủ sở hữu chai mới được tháo hoặc thay đổi nhãn ghi trên chai.
3.4.4. Người sử dụng không được xóa hoặc tháo các dấu hiệu của người sản xuất chai để nhận biết khí chứa trong chai; không được sơn lại chai chứa; không được bổ sung nhãn hoặc dấu hiệu. Người sử dụng chỉ được sử dụng dấu hiệu của chai để nhận biết khí chứa trong chai.
3.4.5. Người sử dụng không được sửa đổi, thay đổi, cản trở, tháo ra hoặc sửa chữa bất kỳ bộ phận nào của chai, kể cả cơ cấu giảm áp và van chai, các phụ kiện khác hoặc vòng kiểm tra lại, nếu có.
3.4.6. Khi xảy ra hoặc nghi là xảy ra sự nhiễm bẩn chai chứa khí do các tạp chất hoặc chất lỏng bên ngoài lọt vào chai chứa qua van, người sử dụng phải phân biệt và đánh dấu một cách rõ ràng vào chai và phải thông báo cho người cung cấp khí chi tiết về sự nhiễm bẩn.
...
Theo đó, chỉ những người được đào tạo do người chủ sở hữu chai chứa khí trong công việc hàn hơi ủy quyền và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép mới được bảo dưỡng chai chứa khí và các phụ kiện của chúng.
Ai được phép thực hiện bảo dưỡng chai chứa khí trong công việc hàn hơi? (Hình từ Internet)
Yêu cầu đối với các chai chứa khí trong công việc hàn hơi được quy định như thế nào?
Tại tiểu mục 2.2.2 Mục 2 QCVN 17:2013/BLĐTBXH có quy định như sau:
2. Quy định về kỹ thuật
...
2.2.2. Yêu cầu đối với các chai chứa khí trong công việc hàn hơi (bao gồm các chai axetylen, oxy, LPG):
2.2.2.1. Bình sinh khí di động không được đặt ở những vị trí sau:
- Dưới hầm sâu nếu không khí lưu thông khó khăn.
- Ở nơi công cộng như nhà hát, rạp chiếu bóng v.v....
- Ở tầng dưới mà phía trên có người ở hoặc làm việc.
- Ở gần lò rèn, lò đúc, bếp đun, giàn đặt nồi hơi và gần các nguồn lửa.
- Ở nơi có khí cháy nổ.
2.2.2.2. Cấm đặt bình sinh khí axetylen di động đang hoạt động trên các phương tiện vận tải đang di chuyển.
2.2.2.3. Cho phép đặt bình sinh khí axetylen di động và chai oxy trên cùng một xe kéo để di chuyển ở cự ly gần với điều kiện sau:
- Bình sinh khí và chai oxy phải được chằng giữ chắc chắn và giữa chúng phải có đệm lót;
- Dây dẫn khí, mỏ hàn, mỏ cắt phải để ở chỗ riêng biệt trên xe.
2.2.2.4. Khi chuyên chở bình sinh khí đi xa phải xả hết khí axetylen (áp suất theo bảng), bã canxi hydroxit và canxi cacbua ra ngoài.
2.2.2.5. Phải loại bỏ chai axetylen khi không còn khả năng nạp axeton và khi chất xốp trong chai đã bị biến chất.
2.2.2.6. Chỉ được phép tiến hành sửa chữa bình sinh khí axetylen di động sau khi đã thực hiện các biện pháp khử khí axetylen trong bình sinh khí.
...
Theo đó, các chai chứa khí trong công việc hàn hơi phải đảm bảo các yêu cầu theo quy định nêu trên.
Trước khi tháo bộ điều chỉnh áp suất khỏi chai chứa khí phải làm gì?
Tại tiểu mục 2.2.1.6.4 Mục 2 QCVN 17:2013/BLĐTBXH có quy định như sau:
2. Quy định về kỹ thuật
...
2.2.1.6.3. Không được làm giảm áp suất dư trong chai chứa thấp hơn áp suất làm việc của hệ thống hoặc thấp hơn áp suất dư nhỏ nhất để ngăn dòng ngược của không khí hoặc các tạp chất khác thâm nhập vào trong chai. Van chai phải khóa để giữ áp suất dư trong chai nhỏ nhất trong khoảng từ 0,5 bar đến 2 bar.
2.2.1.6.4. Trước khi tháo bộ điều chỉnh áp suất khỏi chai chứa, phải khóa van chai và bộ điều chỉnh phải xả hết áp suất khí.
2.2.1.6.5. Bộ điều chỉnh, áp kế, ống mềm và các dụng cụ khác được cung cấp để dùng cho mỗi loại khí, không được sử dụng với chai chứa các khí khác.
2.2.1.6.6. Chỉ được sử dụng chai chứa khí ở vùng được thông gió.
Theo đó, trước khi tháo bộ điều chỉnh áp suất khỏi chai chứa, phải khóa van chai và bộ điều chỉnh phải xả hết áp suất khí.