Ai có trách nhiệm thi hành Quy chế phân cấp quản lý công chức viên chức ngành Kiểm sát nhân dân?
Phân cấp quản lý công chức viên chức ngành Kiểm sát nhân dân là gì?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 2 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 208/QĐ-VKSTC năm 2023 quy định như sau:
Từ ngữ sử dụng trong Quy chế
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Phân cấp quản lý: là việc chuyển giao một phần nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới, người được chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn tự quyết định, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về quyết định của mình.
2. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao gồm: Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gồm: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
4. Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện gồm: Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương.
5. Các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm: Văn phòng, Vụ, Cục, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường Đào tạo, Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật.
6. Các đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao gồm: Văn phòng, Viện nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.
7. Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới: Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là cấp dưới của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện là cấp dưới của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
8. Kiểm sát viên các ngạch gồm: Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp và Kiểm sát viên sơ cấp.
9. Điều tra viên các ngạch gồm: Điều tra viên cao cấp, Điều tra viên trung cấp và Điều tra viên sơ cấp.
10. Kiểm tra viên các ngạch gồm: Kiểm tra viên cao cấp, Kiểm tra viên chính và Kiểm tra viên.
11. Tương đương Chuyên viên cao cấp gồm: công chức, viên chức được hưởng lương tương đương ngạch Chuyên viên cao cấp (Kế toán viên cao cấp, Giảng viên cao cấp, Thống kê viên cao cấp, Biên tập viên hạng I, Phóng viên hạng I,...), trừ ngạch Kiểm sát viên cao cấp, Điều tra viên cao cấp, Kiểm tra viên cao cấp.
...
Theo đó, phân cấp quản lý công chức, viên chức ngành Kiểm sát nhân dân là việc chuyển giao một phần nhiệm vụ và quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới, người được chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn tự quyết định, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp và chịu trách nhiệm trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về quyết định của mình.
Ai có trách nhiệm thi hành Quy chế phân cấp quản lý công chức viên chức ngành Kiểm sát nhân dân? (Hình từ Internet)
Ai có trách nhiệm thi hành Quy chế phân cấp quản lý công chức viên chức ngành Kiểm sát nhân dân?
Căn cứ theo Điều 31 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 208/QĐ-VKSTC năm 2023 quy định như sau:
Trách nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có trách nhiệm thi hành Quy chế này.
2. Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.
3. Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh khi ban hành quyết định về công tác tổ chức cán bộ theo thẩm quyền được phân cấp phải gửi 01 bản chính về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ Tổ chức cán bộ) để kiểm tra, theo dõi và quản lý.
Theo đó, trách nhiệm thi hành Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 208/QĐ-VKSTC năm 2023 về Phân cấp quản lý công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân thuộc về:
- Thủ trưởng đơn vị thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao;
- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh;
- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.
Việc phân cấp quản lý công chức viên chức ngành Kiểm sát nhân dân được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ đúng không?
Căn cứ khoản 2 Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 208/QĐ-VKSTC năm 2023 quy định như sau:
Nguyên tắc phân cấp quản lý công chức, viên chức và người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân
1. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất quản lý của Nhà nước, nguyên tắc tập trung, thống nhất trong ngành Kiểm sát nhân dân.
2. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ trách nhiệm cá nhân và phân công, phân cấp rõ ràng; coi trọng quyền chủ động và đề cao trách nhiệm của người được phân cấp quản lý.
Theo đó, việc phân cấp quản lý công chức viên chức ngành Kiểm sát nhân dân được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ.