12 tháng 8 âm lịch là ngày gì? NLĐ được nghỉ hưởng nguyên lương vào ngày nào trong tháng 8 âm lịch?
12 tháng 8 âm lịch là ngày gì?
Tại Điều 1 Quyết định 13/QĐ-TTg năm 2011 có quy định như sau:
Điều 1. Lấy ngày 12 tháng 8 (âm lịch) hằng năm là “Ngày Sân khấu Việt Nam”.
Điều 2. Việc tổ chức ngày Sân khấu Việt Nam hằng năm phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm với mục đích sau:
1. Động viên đội ngũ văn nghệ sĩ trong lĩnh vực sân khấu phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của nền sân khấu Việt Nam, phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm sân khấu và hoạt động sân khấu có ý nghĩa để phục vụ công chúng, đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần tạo nên đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, cổ vũ toàn dân đoàn kết, phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
...
Theo đó, ngày 12 tháng 8 âm lịch là ngày giỗ Tổ nghề sân khấu, một dịp quan trọng để các nghệ sĩ và những người làm việc trong ngành sân khấu tưởng nhớ và tri ân các bậc tiền bối đã có công phát triển nghệ thuật sân khấu.
Năm nay, ngày 12 tháng 8 âm lịch rơi vào ngày 14 tháng 9 năm 2024 dương lịch.
12 tháng 8 âm lịch là ngày gì? NLĐ được nghỉ hưởng nguyên lương vào ngày nào trong tháng 8 âm lịch?
Người lao động được nghỉ hưởng nguyên lương vào ngày nào trong tháng 8 âm lịch?
Tại Điều 112 Bộ luật Lao động 2019 quy định như sau:
Nghỉ lễ, tết
1. Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:
a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);
b) Tết Âm lịch: 05 ngày;
c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);
d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);
đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);
e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
...
Ngoài ra căn cứ tại quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nghỉ hằng năm
1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
...
Và tại khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3. Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Theo đó, trong tháng 8 âm lịch, người lao động không có ngày nghỉ lễ tết nào.
Tuy nhiên, để nghỉ hưởng nguyên lương vào tháng 8 âm lịch người lao động vẫn có thể dùng số ngày nghỉ phép năm của mình.
Ngoài ra, nếu các ngày nghỉ quy định tại khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 rơi vào trong tháng 8 âm lịch thì người lao động vẫn được nghỉ hưởng nguyên lương vào các ngày này.
Tiền lương làm thêm giờ của người lao động vào tháng 8 âm lịch có chịu thuế TNCN không?
Tại điểm i khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định như sau:
Các khoản thu nhập được miễn thuế
1. Căn cứ quy định tại Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 4 của Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập được miễn thuế bao gồm:
...
i) Thu nhập từ phần tiền lương, tiền công làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với tiền lương, tiền công làm việc ban ngày, làm việc trong giờ theo quy định của Bộ luật Lao động. Cụ thể như sau:
i.1) Phần tiền lương, tiền công trả cao hơn do phải làm việc ban đêm, làm thêm giờ được miễn thuế căn cứ vào tiền lương, tiền công thực trả do phải làm đêm, thêm giờ trừ (-) đi mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường.
...
i.2) Tổ chức, cá nhân trả thu nhập phải lập bảng kê phản ánh rõ thời gian làm đêm, làm thêm giờ, khoản tiền lương trả thêm do làm đêm, làm thêm giờ đã trả cho người lao động. Bảng kê này được lưu tại đơn vị trả thu nhập và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan thuế.
...
Theo đó, tiền lương làm thêm giờ của người lao động được trả cao hơn so với tiền lương của ngày làm việc bình thường thì được xem là khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Tiền lương trả cao hơn do phải làm thêm giờ được miễn thuế được tính theo công thức sau:
Phần được miễn thuế = Tiền lương thực trả do thêm giờ - Mức tiền lương tính theo ngày làm việc bình thường.
Như vậy, khoản tiền lương làm thêm giờ được trả cao hơn của người lao động so với tiền lương của ngày làm việc bình thường vào tháng 8/2024 âm lịch sẽ không chịu thuế TNCN.