1 tháng làm bao nhiêu ngày thì được công ty đóng bảo hiểm xã hội?
1 tháng làm bao nhiêu ngày thì được công ty đóng bảo hiểm xã hội?
Tại điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
...
Đồng thời tại Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định như sau:
Mức đóng và phương thức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
...
3. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
...
Theo đó, người lao động chỉ cần ký hợp đồng lao động lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên với người sử dụng lao động thì đều được công ty đóng bảo hiểm do thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Tuy nhiên, nếu trong 01 tháng mà người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên thì tháng đó sẽ không được đóng bảo hiểm xã hội.
Do đó, người lao động chỉ cần nghỉ không lương tối đa không quá 13 ngày làm việc thì đều sẽ được đóng bảo hiểm xã hội.
Thông thường, nếu đi làm đầy đủ, số ngày công mỗi tháng của người lao động dao động từ 22 đến 26 ngày công (tùy vào chế độ nghỉ của doanh nghiệp) nên chỉ cần làm việc khoảng 09 đến 13 ngày công trong tháng thì sẽ được công ty đóng bảo hiểm xã hội.
1 tháng làm bao nhiêu ngày thì được công ty đóng bảo hiểm xã hội?
Thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được tính từ thời điểm nào?
Tại khoản 5 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
...
5. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
6. Thân nhân là con đẻ, con nuôi, vợ hoặc chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, cha vợ hoặc cha chồng, mẹ vợ hoặc mẹ chồng của người tham gia bảo hiểm xã hội hoặc thành viên khác trong gia đình mà người tham gia bảo hiểm xã hội đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
7. Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chính sách bảo hiểm xã hội mang tính chất tự nguyện nhằm mục tiêu bổ sung cho chế độ hưu trí trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, có cơ chế tạo lập quỹ từ sự đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động dưới hình thức tài khoản tiết kiệm cá nhân, được bảo toàn và tích lũy thông qua hoạt động đầu tư theo quy định của pháp luật.
Như vậy, thời gian đóng bảo hiểm xã hội của người lao động là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng.
Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.
Quy định về việc đóng bảo hiểm xã hội có phải ghi vào hợp đồng lao động hay không?
Tại điểm i khoản 1 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nội dung hượp đồng lao động như sau:
Nội dung hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
...
i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;
...
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH quy định:
Nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động
Nội dung chủ yếu phải có của hợp đồng lao động theo khoản 1 Điều 21 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:
...
9. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp: theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
10. Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề: quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người sử dụng lao động và người lao động trong việc bảo đảm thời gian, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề.
Như vậy, theo quy định trên thì một trong những nội dung cơ bản của hợp đồng lao động là bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế.