06 nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động là gì?
06 nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động là gì?
Căn cứ Điều 15 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động, cụ thể như sau:
Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động
1. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.
2. Tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.
Theo đó khi giao kết hợp đồng lao động người sử dụng lao động và người lao động cần tuân thủ 06 nguyên tắc sau:
1.Tự nguyện
2. Bình đẳng
3. Thiện chí
4. Hợp tác
5. Trung thực
6. Tự do giao kết hợp đồng lao động, Nhưng tự do này không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.
06 nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động là gì?
Có bắt buộc phải giao kết hợp đồng lao động không?
Căn cứ theo Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 có đề cập rõ ràng vấn đề này như sau:
Hợp đồng lao động
…
2. Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Như vậy, trước khi người lao động vào làm việc thì bắt buộc người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Đồng thời, Điều 14 Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định về hình thức của hợp đồng lao động như sau:
Hình thức hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử có giá trị như hợp đồng lao động bằng văn bản.
2. Hai bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm a khoản 1 Điều 145 và khoản 1 Điều 162 của Bộ luật này.
Như vậy, người sử dụng lao động và người lao động có thể giao kết hợp đồng bằng lời nói nếu hợp đồng đó có thời hạn dưới 1 tháng. Trừ các trường hợp sau đây dù dưới 1 tháng vẫn phải giao kết hợp đồng bằng văn bản, cụ thể:
- Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động; trong trường hợp này, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và có hiệu lực như giao kết với từng người lao động (khoản 2 Điều 18 Bộ luật Lao động 2019)
- Phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó (điểm a khoản 1 Điều 145 Bộ luật Lao động 2019)
- Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình (khoản 1 Điều 162 Bộ luật Lao động 2019)
Người sử dụng lao động không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với trường hợp bắt buộc giao kết bằng văn bản sẽ bị xử phạt như nào?
Như đề cập ở trên, đối với trường hợp bắt buộc người lao động phải giao kết hợp đồng bằng văn bản và không được thông qua lời nói mà người sử dụng lao động có hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt như sau:
Theo Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
1. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên; giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng cho nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật Lao động; giao kết không đúng loại hợp đồng lao động với người lao động; giao kết hợp đồng lao động không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
…
đ) Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
…
3. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động khi có hành vi giao kết hợp đồng lao động không bằng văn bản với người lao động làm công việc có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động cho nhóm người lao động làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng khi có hành vi không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động cho nhóm người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên làm công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng quy định tại khoản 2 Điều 18 của Bộ luật Lao động được quy định tại khoản 1 Điều này;
Theo Điều 10 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
Vi phạm quy định về thử việc
…
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
…
d) Không giao kết hợp đồng lao động với người lao động khi thử việc đạt yêu cầu đối với trường hợp hai bên có giao kết hợp đồng thử việc.
Theo Điều 30 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định:
Vi phạm quy định về lao động là người giúp việc gia đình
1. Phạt cảnh cáo đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình;
…
Lưu ý: Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP mức xử lý hành chính này là mức phạt đối với người sử dụng lao động là cá nhân, đối với công ty (tổ chức) mức phạt tiền sẽ gấp 02 lần.