05 yêu cầu khi người hành nghề luật sư tiếp nhận vụ việc của khách hàng cần tuân thủ để không vi phạm quy tắc đạo đức là gì?
05 yêu cầu khi người hành nghề luật sư tiếp nhận vụ việc của khách hàng cần tuân thủ để không vi phạm quy tắc đạo đức là gì?
Căn cứ theo Quy tắc 10 Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ năm 2019 có quy định 05 yêu cầu khi tiếp nhận vụ việc của khách hàng như sau:
- Khi được khách hàng yêu cầu tiếp nhận vụ việc, luật sư cần nhanh chóng trả lời cho khách hàng biết về việc có tiếp nhận vụ việc hay không.
- Luật sư không phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch, tuổi tác, sức khỏe, khuyết tật, tình trạng tài sản của khách hàng khi tiếp nhận vụ việc. Trường hợp biết khách hàng thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí thì luật sư thông báo cho họ biết.
- Người hành nghề luật sư chỉ nhận vụ việc theo điều kiện, khả năng chuyên môn của mình và thực hiện vụ việc trong phạm vi yêu cầu hợp pháp của khách hàng.
- Người hành nghề luật sư có nghĩa vụ giải thích cho khách hàng biết về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ trong quan hệ với luật sư; về tính hợp pháp trong yêu cầu của khách hàng; những khó khăn, thuận lợi có thể lường trước được trong việc thực hiện dịch vụ pháp lý; quyền khiếu nại và thủ tục giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với luật sư.
- Khi nhận vụ việc của khách hàng, luật sư phải ký kết hợp đồng dịch vụ pháp lý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong hợp đồng dịch vụ pháp lý phải xác định rõ yêu cầu của khách hàng, mức thù lao và những nội dung chính khác mà hợp đồng dịch vụ pháp lý phải có theo quy định của pháp luật.
05 yêu cầu khi người hành nghề luật sư tiếp nhận vụ việc của khách hàng cần tuân thủ để không vi phạm quy tắc đạo đức là gì?
Những quy tắc cơ bản giữa Luật sư và khách hàng là gì?
Căn cứ theo Mục 1 Chương II tại Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ năm 2019 về Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành, có quy định những quy tắc cơ bản như sau:
Quy tắc 5. Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng
Luật sư có nghĩa vụ tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng theo quy định của pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam.
Quy tắc 6. Tôn trọng khách hàng
Luật sư thực hiện việc cung cấp dịch vụ pháp lý trên cơ sở yêu cầu hợp pháp của khách hàng, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và sự lựa chọn của khách hàng.
Quy tắc 7. Giữ bí mật thông tin
7.1. Luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và sau khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật.
7.2. Luật sư có trách nhiệm yêu cầu các đồng nghiệp có liên quan và nhân viên trong tổ chức hành nghề của mình cam kết không tiết lộ những bí mật thông tin mà họ biết được và luật sư có trách nhiệm giải thích rõ nếu tiết lộ thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Quy tắc 8. Thù lao
Luật sư phải giải thích cho khách hàng những quy định của pháp luật về căn cứ tính thù lao, phương thức thanh toán thù lao; thông báo rõ ràng mức thù lao, chi phí cho khách hàng và mức thù lao, chi phí này phải được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý.
Quy tắc 9. Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng
9.1. Nhận, chiếm giữ, sử dụng tiền, tài sản của khách hàng trái với thỏa thuận giữa luật sư và khách hàng.
9.2. Gợi ý, đặt điều kiện để khách hàng tặng cho tài sản hoặc lợi ích khác cho luật sư hoặc cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em của luật sư.
9.3. Nhận tiền hoặc bất kỳ lợi ích nào khác từ người thứ ba để thực hiện hoặc không thực hiện công việc gây thiệt hại đến lợi ích của khách hàng.
9.4. Tạo ra hoặc lợi dụng các tình huống xấu, những thông tin sai sự thật, không đầy đủ hoặc bất lợi cho khách hàng để gây áp lực nhằm tăng mức thù lao đã thỏa thuận hoặc có được lợi ích khác từ khách hàng.
9.5. Sử dụng thông tin biết được từ vụ việc mà luật sư đảm nhận để mưu cầu lợi ích không chính đáng.
9.6. Thông tin trực tiếp cho khách hàng hoặc dùng lời lẽ, hành vi ám chỉ để khách hàng biết về mối quan hệ cá nhân của luật sư với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác nhằm mục đích gây niềm tin với khách hàng về hiệu quả công việc hoặc nhằm mục đích bất hợp pháp khác.
9.7. Cố ý đưa ra những thông tin làm cho khách hàng nhầm lẫn về khả năng và trình độ chuyên môn của mình để tạo niềm tin cho khách hàng ký kết hợp đồng.
9.8. Hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc về những nội dung nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của luật sư.
9.9. Lợi dụng nghề nghiệp để quan hệ tình cảm nam nữ bất chính với khách hàng.
9.10. Lạm dụng các chức danh khác ngoài danh xung luật sư trong hoạt động hành nghề để mưu cầu lợi ích trái pháp luật.
Như vậy, là một luật sư cần đảm bảo tuân theo những quy tắc cơ bản trong quan hệ với khách hàng, cụ thể là 5 quy tắc sau đây:
- Bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng
- Tôn trọng khách hàng
- Giữ bí mật thông tin
- Thù lao
- Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng.
Vi phạm Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư bị xử lý kỷ luật ra sao?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 85 Luật Luật sư 2006 có cụm từ bị thay thế bởi khoản 37 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định về luật sư vi phạm quy định Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam và quy định khác của tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau đây:
- Khiển trách;
- Cảnh cáo;
- Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn luật sư từ sáu tháng đến hai mươi bốn tháng;
- Xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư.