04 trường hợp công chứng viên được công chứng ngoài trụ sở từ ngày 01/7/2025?
04 trường hợp công chứng viên được công chứng ngoài trụ sở từ ngày 01/7/2025?
Luật Công chứng 2024 sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, theo đó các quy định mới về hoạt động hành nghề công chứng cũng sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày này.
Liên quan đến hoạt động công chứng ngoài trụ sở, theo Điều 46 Luật Công chứng 2024 quy định như sau:
Địa điểm công chứng
1. Việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng nếu người yêu cầu công chứng thuộc các trường hợp sau đây:
a) Lập di chúc tại chỗ ở theo quy định của Bộ luật Dân sự;
b) Không thể đi lại được vì lý do sức khỏe; đang điều trị nội trú hoặc bị cách ly theo chỉ định của cơ sở y tế;
c) Đang bị tạm giữ, tạm giam; đang thi hành án phạt tù; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
d) Có lý do chính đáng khác theo quy định của Chính phủ.
Chiếu theo quy định trên, trong hoạt động công chứng, việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Tuy nhiên, công chứng viên sẽ được thực hiện công chứng ngoài trụ sở nếu người yêu cầu công chứng thuộc 04 trường hợp sau đây:
(1) Lập di chúc tại chỗ ở theo quy định của Bộ luật Dân sự;
(2) Không thể đi lại được vì lý do sức khỏe; đang điều trị nội trú hoặc bị cách ly theo chỉ định của cơ sở y tế;
(3) Đang bị tạm giữ, tạm giam; đang thi hành án phạt tù; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
(4) Có lý do chính đáng khác theo quy định của Chính phủ.
Như vậy, khi người yêu cầu công chứng thuộc một trong 04 trường hợp nêu trên thì công chứng viên có thể thực hiện công chứng ngoài trụ sở.
04 trường hợp công chứng viên được công chứng ngoài trụ sở từ ngày 01/7/2025?
Công chứng viên có các quyền và nghĩa vụ gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Luật Công chứng viên 2024, công chứng viên có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
Về quyền:
- Được bảo đảm quyền hành nghề công chứng;
- Thành lập, tham gia thành lập Văn phòng công chứng, tham gia hợp danh vào Văn phòng công chứng hoặc làm việc theo chế độ hợp đồng làm việc, hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề công chứng;
- Được công chứng giao dịch theo quy định Luật Công chứng 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan; được chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản, chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực;
- Đề nghị cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, được khai thác, sử dụng thông tin từ các cơ sở dữ liệu theo quy định của pháp luật để thực hiện việc công chứng;
- Quyền khác theo quy định Luật Công chứng 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Về nghĩa vụ:
- Tuân thủ các nguyên tắc hành nghề công chứng;
- Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng;
- Hành nghề tại 01 tổ chức hành nghề công chứng; bảo đảm thời gian làm việc theo ngày, giờ làm việc của tổ chức hành nghề công chứng;
- Hướng dẫn người yêu cầu công chứng thực hiện đúng các quy định về thủ tục công chứng và quy định của pháp luật có liên quan; giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng;
- Từ chối công chứng trong trường hợp giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội và các trường hợp khác theo quy định Luật Công chứng 2024; giải thích rõ lý do từ chối công chứng;
- Giữ bí mật về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;
- Tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hằng năm;
- Gia nhập Hội công chứng viên tại địa phương nơi muốn hành nghề và duy trì tư cách hội viên trong suốt quá trình hành nghề công chứng tại địa phương đó;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng mà mình thực hiện;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của Văn phòng công chứng mà mình là thành viên hợp danh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân;
- Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Công chứng viên 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Công chứng viên bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng trong những trường hợp nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 15 Luật Công chứng 2024 quy định:
Tạm đình chỉ hành nghề công chứng
1. Công chứng viên bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng trong các trường hợp sau đây:
a) Bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
b) Bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật này.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định về việc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với công chứng viên, Sở Tư pháp nơi cấp thẻ công chứng viên ra quyết định tạm đình chỉ hành nghề công chứng.
2. Thời gian tạm đình chỉ hành nghề công chứng tối đa là 12 tháng.
...
Như vậy, công chứng viên bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng trong các trường hợp sau đây:
- Bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- Bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 14 Luật Công chứng 2024.
*Luật Công chứng 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.