04 đối tượng được khám sức khỏe tối thiểu 02 lần một năm là ai?
04 đối tượng được khám sức khỏe tối thiểu 02 lần một năm là ai?
Căn cứ theo Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định như sau:
Khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động
1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.
2. Khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.
3. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.
4. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kỹ thuật.
5. Người sử dụng lao động đưa người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
6. Chi phí cho hoạt động khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều này được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không có hoạt động dịch vụ.
Như vậy, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe tối thiểu 01 lần một năm cho người lao động. Tuy nhiên, trong những trường hợp sau phải tổ chức khám sức khỏe tối thiểu 02 lần một năm, bao gồm:
- Người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- Người lao động là người khuyết tật;
- Người lao động chưa thành niên;
- Người lao động cao tuổi.
04 đối tượng được khám sức khỏe tối thiểu 02 lần một năm là ai?
04 đối tượng được khám sức khỏe tối thiểu 02 lần một năm là ai?
Người lao động đi khám sức khỏe cần chuẩn bị những gì?
Theo quy định tại Điều 34 Thông tư 32/2023/TT-BYT, người lao động đi khám sức khỏe cần chuẩn bị hồ sơ khám sức khỏe bao gồm:
- Đối với người từ đủ 18 tuổi trở lên là giấy khám sức khỏe theo mẫu quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục số XXIV ban hành kèm theo Thông tư 32/2023/TT-BYT, có dán ảnh chân dung cỡ 04cm x 06cm, được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ khám sức khỏe.
- Đối với người chưa đủ 18 (mười tám) tuổi là giấy khám sức khỏe theo mẫu quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục số XXIV ban hành kèm theo Thông tư 32/2023/TT-BYT, có dán ảnh chân dung cỡ 04cm x 06cm, được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 (sáu) tháng tính đến ngày nộp hồ sơ khám sức khỏe.
- Đối với người mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự đề nghị khám sức khỏe nhưng không thuộc trường hợp khám sức khỏe định kỳ, hồ sơ khám sức khỏe bao gồm: Giấy khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 34 Thông tư 32/2023/TT-BYT và văn bản đồng ý của thân nhân người bệnh quy định tại khoản 11 Điều 2 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023.
- Đối với người được khám sức khỏe định kỳ, hồ sơ khám sức khỏe bao gồm: Sổ khám sức khỏe định kỳ theo Mẫu số 03 Phụ lục số XXIV ban hành kèm theo Thông tư 32/2023/TT-BYT và giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc đối với trường hợp khám sức khỏe định kỳ đơn lẻ hoặc có tên trong danh sách khám sức khỏe định kỳ do cơ quan, tổ chức nơi người đó đang làm việc xác nhận để thực hiện khám sức khỏe định kỳ theo hợp đồng.
Giấy khám sức khỏe được trả trong vòng bao nhiêu ngày kể từ ngày khám sức khỏe định kỳ?
Căn cứ theo Điều 38 Thông tư 32/2023/TT-BYT có quy định cấp và lưu Giấy khám sức khỏe như sau:
Cấp và lưu Giấy khám sức khỏe
1. Giấy khám sức khỏe được cấp 01 (một) bản cho người được khám sức khỏe và 01 bản lưu tại cơ sở khám sức khỏe. Thời gian lưu hồ sơ giấy khám sức khỏe thực hiện theo quy định tại mục 20 nhóm 01 Tài liệu về khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng ban hành kèm theo Thông tư số 53/2017/TT- BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu chuyên môn nghiệp vụ ngành y tế. Hồ sơ khám sức khỏe định kỳ do đơn vị quản lý người được khám sức khỏe bảo quản và lưu trữ.
2. Trường hợp người được khám sức khỏe có yêu cầu cấp nhiều giấy khám sức khỏe, thì cơ sở khám sức khỏe thực hiện nhân bản giấy khám sức khoẻ. Việc nhân bản thực hiện theo quy định tại Nghị định số 30/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ về công tác văn thư (sau đây gọi tắt là Nghị định số 30/2020/NĐ-CP).
3. Thời hạn trả giấy khám sức khỏe, sổ khám sức khỏe định kỳ:
a) Đối với trường hợp khám sức khỏe đơn lẻ: cơ sở khám sức khỏe trả giấy khám sức khỏe, sổ khám sức khỏe định kỳ cho người được khám sức khỏe trong vòng 24 (hai mươi tư) giờ kể từ khi kết thúc việc khám sức khỏe, trừ trường hợp phải khám hoặc xét nghiệm bổ sung theo yêu cầu của người thực hiện khám sức khỏe;
b) Đối với trường hợp khám sức khỏe tập thể theo hợp đồng: cơ sở khám sức khỏe trả giấy khám sức khỏe, sổ khám sức khỏe định kỳ cho người được khám sức khỏe theo thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng.
4. Giá trị sử dụng của giấy khám sức khỏe, kết quả khám sức khỏe định kỳ:
a) Giấy khám sức khỏe có giá trị trong thời hạn 12 (mười hai) tháng kể từ ngày ký kết luận sức khỏe;
b) Kết quả khám sức khỏe định kỳ có giá trị sử dụng theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Giấy khám sức khỏe được trả trong vòng 24h kể từ khi kết thúc việc khám sức khỏe, trừ trường hợp phải khám hoặc xét nghiệm bổ sung theo yêu cầu của người thực hiện khám sức khỏe (đối với trường hợp khám sức khỏe đơn lẻ).
Trường hợp khám sức khỏe tập thể theo hợp đồng thì giấy khám sức khỏe được trả theo thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng.
Căn cứ khoản 1 Điều 22 Thông tư 28/2016/TT-BYT quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải lưu trữ hồ sơ đối với hồ sơ sức khỏe trong suốt thời gian người lao động làm việc tại đơn vị và trả hồ sơ khi người lao động chuyển công tác hoặc thôi việc, nghỉ việc.