03 thiệt thòi khi sinh viên làm thêm mà không ký hợp đồng lao động là gì? Mẫu hợp đồng bán thời gian cho sinh viên làm thêm là mẫu nào?
Sinh viên đi làm thêm có cần ký hợp đồng lao động không?
Theo Điều 32 Bộ luật Lao động 2019 quy định thì:
- Người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian khi giao kết hợp đồng lao động.
- Người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương; bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Ngoài ra theo Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 quy định về hợp đồng lao động như sau:
- Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
- Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
- Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động.
Theo đó người sử dụng lao động vẫn phải giao kết hợp đồng với sinh viên làm việc bán thời gian. Và sinh viên được hưởng lương, hưởng sự bình đẳng bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Nếu người sử dụng lao động không giao kết thì sinh viên phải chủ động đề xuất giao kết hợp đồng để đảm bảo quyền lợi của mình.
03 thiệt thòi khi sinh viên làm thêm mà không ký hợp đồng lao động là gì? Mẫu hợp đồng bán thời gian cho sinh viên làm thêm là mẫu nào? (Hình từ Internet)
03 thiệt thòi khi sinh viên làm thêm mà không ký hợp đồng lao động là gì?
- Nhận được mức lương thấp hơn lương tối thiểu vùng
Không khó để bắt gặp trên mạng xã hội các thông tin tuyển dụng việc làm thêm cho sinh viên với mức lương 17.000, 18.000đ/1 giờ.
Và khi so sánh với mức lương tối thiểu theo giờ được quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP như sau:
Vùng | Mức lương tối thiểu tháng (Đơn vị: đồng/tháng) | Mức lương tối thiểu giờ (Đơn vị: đồng/giờ) |
Vùng I | 4.680.000 | 22.500 |
Vùng II | 4.160.000 | 20.000 |
Vùng III | 3.640.000 | 17.500 |
Vùng IV | 3.250.000 | 15.600 |
Theo đó ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng tiền lương làm thêm mà sinh viên đang nhận được thấp hơn thậm chí thấp hơn rất nhiều so với mức lương tối thiểu giờ.
Mặc dù, rõ ràng giữa sinh viên làm thêm và các chủ nhà hàng, quán ăn, quán trà sữa,... thực tế có phát sinh quan hệ lao động. Tuy nhiên, đa phần sinh viên đều có tâm lý xem việc làm thêm là tạm bợ, do đó không quan tâm đến việc ký kết hợp đồng lao động. Vì vậy, cho dù người chủ có trả cho sinh viên mức lương thấp hơn so với mức lương tối thiểu vùng thì cơ quan có thẩm quyền cũng không có căn cứ để xử phạt họ.
Như vậy, chỉ xử phạt được người sử dụng lao động trả lương cho sinh viên làm thêm thấp hơn mức lương tối thiểu nếu giữa các bên có ký kết hợp đồng lao động.
- Không được tham gia BHXH
Việc nhận lương thấp hơn lương tối thiểu vùng là một thiệt thòi trước mắt còn việc không được tham gia bảo hiểm sẽ là một thiệt thòi về sau đối với các bạn sinh viên làm thêm mà không ký hợp đồng lao động.
Theo Điều 32 Bộ luật Lao động 2019 quy định:
Làm việc không trọn thời gian
1. Người lao động làm việc không trọn thời gian là người lao động có thời gian làm việc ngắn hơn so với thời gian làm việc bình thường theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng được quy định trong pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.
2. Người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động làm việc không trọn thời gian khi giao kết hợp đồng lao động.
3. Người lao động làm việc không trọn thời gian được hưởng lương; bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Như vậy, đóng bảo hiểm xã hội là một quyền lợi cũng như là trách nhiệm của người lao động nên đối với sinh viên làm thêm cũng sẽ được hưởng quyền lợi và thực hiện trách nhiệm này.
Đồng thời, tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định:
Đối tượng áp dụng
1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;
...
Như vậy, việc đóng bảo hiểm xã hội đối với sinh viên làm thêm phụ thuộc vào hợp đồng lao động. Nếu sinh viên làm thêm theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên sẽ thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Khi tham gia BHXH, người lao động được hưởng rất nhiều chế độ như hưởng lương hưu, chế độ ốm đau, thai sản và rất nhiều quyền lợi khác.
- Nhiều bất lợi khác
Bên cạnh 2 thiệt thòi lớn trên thì việc không ký hợp đồng lao động khi làm thêm thì sinh viên còn phải chịu những bất lợi sau:
+ Không được đảm bảo các chế độ an toàn, vệ sinh lao động.
+ Dễ bị nợ lương do không có bất kỳ tờ “giấy trắng mực đen” nào.
+ Không đảm bảo thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.
+ Và rất nhiều bất lợi khác…
Qua những phân tích trên, khi tìm công việc làm thêm, sinh viên tìm hiểu kỹ quy định của pháp luật về quan hệ lao động, thay đổi suy nghĩ cho rằng đi làm thêm ngoài giờ học chỉ mang tính chất tạm bợ nên không cần thiết phải ràng buộc về pháp lý, và bất kỳ tình huống nào thì cũng nên ký kết hợp đồng lao động để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình.
Mẫu hợp đồng bán thời gian cho sinh viên làm thêm là mẫu nào?
Hiện nay, Bộ luật Lao động 2019 cũng như các văn bản liên quan không đề cập về mẫu hợp đồng bán thời gian cho sinh viên làm thêm. Người lao động có thể tham khảo mẫu hợp đồng bán thời gian cho sinh viên làm thêm dưới đây:
Tải mẫu hợp đồng bán thời gian cho sinh viên làm thêm: TẢI VỀ.