02 hình thức thi đua của Dân quân tự vệ là gì?
02 hình thức thi đua của Dân quân tự vệ là gì?
Theo Điều 5 Thông tư 93/2024/TT-BQP quy định thì hình thức thi đua thực hiện theo quy định tại Điều 16 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 và 02 hình thức thi đua của Dân quân tự vệ bao gồm:
- Thi đua thường xuyên
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao của cá nhân, tập thể để tổ chức phát động, thực hiện tốt công việc hằng ngày, hằng tháng, hằng quý, hằng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị Dân quân tự vệ.
Việc tổ chức phong trào thi đua thường xuyên phải xác định rõ yêu cầu, mục tiêu, nội dung, chỉ tiêu cụ thể. Kết thúc năm công tác, chỉ huy cơ quan, tổ chức, đơn vị Dân quân tự vệ tiến hành tổng kết và bình xét danh hiệu thi đua.
- Thi đua chuyên đề
Là hình thức thi đua nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm hoặc một lĩnh vực cần tập trung, như nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đấu tranh phòng, chống tội phạm, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố, dịch bệnh, cháy, nổ, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ và được xác định trong một khoảng thời gian nhất định để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của cơ quan, tổ chức, đơn vị Dân quân tự vệ.
02 hình thức thi đua của Dân quân tự vệ là gì? (Hình từ Internet)
Nội dung tổ chức phong trào thi đua của Dân quân tự về thế nào?
Theo Điều 6 Thông tư 93/2024/TT-BQP quy định thì nội dung tổ chức phong trào thi đua thực hiện theo quy định tại Điều 17 Luật Thi đua, khen thưởng 2022 và các quy định sau:
- Xác định rõ mục tiêu, phạm vi, đối tượng thi đua, trên cơ sở đó đề ra nội dung, chỉ tiêu thi đua cụ thể. Việc xác định nội dung, chỉ tiêu thi đua phải phù hợp với thực tế của địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị Dân quân tự vệ.
- Căn cứ đặc điểm, tính chất tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện, hội thi, hội thao và hoạt động của Dân quân tự vệ để xác định hình thức tổ chức phát động thi đua phù hợp, tránh biểu hiện hình thức trong thi đua.
- Triển khai các biện pháp tổ chức thực hiện phong trào thi đua, theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thi đua.
- Sơ kết, tổng kết thi đua:
+ Kết thúc mỗi phong trào thi đua hoặc đợt thi đua, các cơ quan, đơn vị tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thi đua, lựa chọn cá nhân, tập thể xuất sắc tiêu biểu để biểu dương, khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng.
+ Đối với đợt thi đua dài ngày, có thể tổ chức sơ kết vào giữa đợt để rút kinh nghiệm.
Lưu ý: Thông tư 93/2024/TT-BQP có hiệu lực từ 22/12/2024.
Điều kiện để tham gia Dân quân tự vệ là gì?
Theo Điều 10 Luật Dân quân tự vệ 2019 quy định như sau:
Tiêu chuẩn, tuyển chọn và thẩm quyền quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ
1. Công dân Việt Nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, có đủ các tiêu chuẩn sau đây được tuyển chọn vào Dân quân tự vệ:
a) Lý lịch rõ ràng;
b) Chấp hành nghiêm đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
c) Đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ của Dân quân tự vệ.
2. Việc tuyển chọn vào Dân quân tự vệ được quy định như sau:
a) Bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật;
b) Hằng năm, Ban chỉ huy quân sự cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức tuyển chọn công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nơi không có đơn vị hành chính cấp xã do Ban chỉ huy quân sự cấp huyện trực tiếp tuyển chọn.
3. Quân nhân dự bị chưa sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên được tuyển chọn vào đơn vị Dân quân tự vệ.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định công dân thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.
5. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết khoản 1 Điều này
Theo đó công dân Việt Nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, khi có đủ các tiêu chuẩn quy định như sau:
- Có lý lịch rõ ràng;
- Chấp hành nghiêm đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;
- Đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ của Dân quân tự vệ.
Dân quân tự vệ có được trang bị vũ khí quân dụng không?
Theo Điều 18 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2024 (có hiệu lực từ 01/01/2025) quy định:
Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng
1. Đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng bao gồm:
a) Quân đội nhân dân;
b) Dân quân tự vệ;
c) Cảnh sát biển;
d) Công an nhân dân;
đ) Cơ yếu;
e) Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
g) Kiểm lâm, Kiểm ngư;
h) An ninh hàng không;
i) Hải quan cửa khẩu; lực lượng chuyên trách phòng, chống buôn lậu của Hải quan; lực lượng phòng, chống tội phạm về ma túy của Hải quan.
2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí quân dụng đối với đối tượng thuộc Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Cảnh sát biển và Cơ yếu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
3. Bộ trưởng Bộ Công an căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí quân dụng đối với đối tượng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Theo đó Dân quân tự vệ thuộc đối tượng được trang bị vũ khí quân dụng. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng căn cứ vào tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ quy định việc trang bị vũ khí quân dụng đối với Dân quân tự vệ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.