Viên chức quốc phòng nghỉ ốm đau thì thời gian đó có được tính để hưởng phụ cấp thâm niên không?
Viên chức quốc phòng nghỉ ốm đau thì thời gian đó có được tính để hưởng phụ cấp thâm niên không?
Căn cứ tại Điều 5 Nghị định 19/2017/NĐ-CP quy định:
Chế độ phụ cấp thâm niên đối với công nhân và viên chức quốc phòng
1. Mức phụ cấp
Công nhân và viên chức quốc phòng có thời gian phục vụ trong lực lượng thường trực của quân đội đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi mỗi năm (12 tháng) được tính thêm 1%.
Phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
2. Thời gian tính hưởng phụ cấp
a) Thời gian phục vụ trong lực lượng thường trực của quân đội;
b) Thời gian hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành, nghề khác được cộng dồn với thời gian quy định tại điểm a khoản này để tính hưởng phụ cấp thâm niên.
3. Thời gian không tính hưởng phụ cấp
a) Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;
b) Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
c) Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.
Theo đó, nếu viên chức quốc phòng nghỉ ốm đau quá thời hạn quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì thời gian đó không được tính để hưởng phụ cấp thâm niên.
Viên chức quốc phòng nghỉ ốm đau thì thời gian đó có được tính để hưởng phụ cấp thâm niên không?
Viên chức quốc phòng chuyển ngành khi nghỉ hưu được hưởng phụ cấp thâm niên như thế nào?
Căn cứ tại Điều 41 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 quy định:
Chế độ, chính sách đối với công nhân và viên chức quốc phòng thôi phục vụ trong quân đội
1. Công nhân và viên chức quốc phòng nghỉ hưu:
a) Lương hưu được tính theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và quy định của Luật này;
b) Khi nghỉ hưu trước hạn tuổi cao nhất quy định tại Điều 31 của Luật này do thay đổi tổ chức biên chế mà quân đội không còn nhu cầu sử dụng thì ngoài chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật còn được hưởng trợ cấp một lần;
c) Được chính quyền địa phương nơi cư trú tạo điều kiện ổn định cuộc sống; trường hợp chưa có nhà ở thì được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật.
2. Công nhân và viên chức quốc phòng chuyển ngành:
a) Khi nghỉ hưu được hưởng phụ cấp thâm niên tính theo thời gian phục vụ trong quân đội và mức lương hiện hưởng. Trường hợp mức lương hiện hưởng thấp hơn mức lương công nhân và viên chức quốc phòng tại thời điểm chuyển ngành thì được lấy mức lương tại thời điểm chuyển ngành để tính lương hưu theo quy định của pháp luật;
b) Trường hợp do yêu cầu nhiệm vụ, được quyết định trở lại phục vụ quân đội thì thời gian chuyển ngành được tính vào thời gian công tác liên tục để xét nâng lương và thâm niên công tác.
3. Công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc:
a) Được hưởng trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật;
b) Khi thôi việc mà chưa đủ điều kiện để hưởng lương hưu hoặc chưa được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần thì được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội hoặc nhận trợ cấp một lần từ quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật;
c) Được hưởng chế độ, chính sách quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
d) Công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc còn trong độ tuổi lao động được ưu tiên cộng điểm trong thi tuyển công chức, viên chức.
4. Thời gian trực tiếp phục vụ chiến đấu hoặc công tác ở địa bàn khó khăn, ngành nghề đặc thù được quy đổi thời gian đó để tính hưởng quyền lợi khi thôi phục vụ trong quân đội.
5. Chính phủ quy định chi tiết điểm a và điểm b khoản 1, khoản 4 Điều này.
Theo đó, viên chức quốc phòng chuyển ngành khi nghỉ hưu được hưởng phụ cấp thâm niên tính theo thời gian phục vụ trong quân đội và mức lương hiện hưởng.
Trường hợp mức lương hiện hưởng thấp hơn mức lương viên chức quốc phòng tại thời điểm chuyển ngành thì được lấy mức lương tại thời điểm chuyển ngành để tính lương hưu theo quy định của pháp luật;
Ai có thẩm quyền quy định việc bố trí sử dụng viên chức quốc phòng?
Căn cứ tại Điều 5 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng 2015 quy định:
Bố trí sử dụng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng
1. Mỗi vị trí chức danh trong tổ chức biên chế của Quân đội nhân dân chỉ quy định một đối tượng sử dụng là quân nhân chuyên nghiệp hoặc công nhân quốc phòng hoặc viên chức quốc phòng.
2. Căn cứ quy định tại Điều 3 của Luật này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc bố trí sử dụng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng có thẩm quyền quy định việc bố trí sử dụng viên chức quốc phòng.