Cha mẹ có được hưởng thừa kế từ con?

Cha mẹ tôi có 03 người con là tôi, chị gái và anh trai tôi. Cha mẹ tôi có một ngôi nhà và đất rộng khoảng 300m2 đất. Năm 1995, cha mẹ cho anh trai tôi tự kê khai quyền sử dụng đất đứng tên anh trai một mình. Năm 1997, anh trai chết. Lúc anh trai chết thì anh có một con trai với một chị người yêu chưa đăng ký kết hôn. Hai người quen nhau từ năm 1994, sau khi anh trai chết thì chị vợ và cháu trai của chúng tôi về quê ngoại ở. Năm 2009, mẹ tôi mất, cha tôi nay vẫn còn sống. Hiện nay hai mẹ con người cháu là con của anh trai tôi khởi kiện đòi gia đình chúng tôi phải trả lại toàn bộ nhà đất đứng tên anh trai tôi mà chúng tôi sử dụng từ trước đến nay thì có đúng không? Nếu phải phân chia thừa kế thì chúng tôi có được hưởng phần thừa kế nào không?

Về vấn đề này chuyên gia tư vấn luật TRẦN THỊ HẬU - CÔNG TY LUẬT HỢP DANH FDVN đưa ra ý kiến sau:

Về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng diện tích 300m2 đất trước đây là tài sản thuộc quyền sử dụng của ba mẹ anh/chị. Nhưng kể từ năm 1995, cha mẹ anh/chị đã tặng cho tài sản này cho người anh trai, bằng chứng là việc đã cho người anh trai tự kê khai và đứng tên một mình trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Căn cứ theo Khoản 9 Điều 3 và Điều 168 Luật Đất đai 2013, Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của người anh trai và người anh trai bạn có quyền đối với người sử dụng đất. Đồng thời, tại thời điểm này, mặc dù người anh trai có quan hệ chung sống như vợ chồng với người khác nhưng lại chưa đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật, do đó, căn cứ theo Điều 16 Luật Hôn nhân - Gia đình 1986 quy định “Đối với tài sản mà vợ hoặc chồng có trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng hoặc được cho riêng trong thời kỳ hôn nhân thì người có tài sản đó có quyền nhập hoặc không nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng” nên tài sản trên là tài sản riêng của người anh trai do không có cơ sở chứng minh vợ chồng cũng như chứng cứ chứng minh tài sản chung với người khác.

Năm 1997, người anh trai chết, theo chúng tôi được hiểu thì bạn không đề cập đến di chúc nên chúng tôi giải quyết theo trường hợp người chết không để lại di chúc. Khi đó, di sản mà người chết để lại được chia theo quy định pháp luật, cụ thể là theo hàng thừa kế. Theo Điều 679 Bộ luật dân sự 1995 có quy định, hàng thừa kế thứ nhất gồm “vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. Cụ thể trong trường hợp này:

Đối với người chung sống như vợ chồng với người anh trai từ năm 1994 nhưng chưa đăng ký kết hôn: Căn cứ theo điểm b mục 1 Phần II Nghị quyết 01/2003/NQ-HĐTP, ngày 16 tháng 4 năm 2003 Hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình có quy định: Trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03/01/1987 đến ngày 01/01/2001 mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày 01/01/2001 đến ngày 01/01/2003; do đó cho đến trước ngày 01/01/2003 mà có một bên vợ hoặc chồng chết trước thì bên chồng hoặc vợ còn sống được hưởng di sản của bên chết để lại theo quy định của pháp luật về thừa kế. Như vậy, người chung sống với anh trai anh/chị vẫn được hưởng di sản do người anh trai chết để lại. Vì thế, người vợ này có quyền yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế.

Do đó, năm 1997 anh trai bạn chết thì phát sinh thừa kế cho những người thừa kế gồm cha, mẹ (lúc đó còn sống), con và vợ. Những người này được hưởng phần di sản bằng nhau, tức là mỗi người được hưởng 1/4 di sản người anh để lại. Do đó, trong phần di sản thừa kế do anh trai để lại có 01 phần di sản thuộc sở hữu của người mẹ. Năm 2009, người mẹ chết thì phần di sản thừa kế của người mẹ sẽ được chia cho các người con và chồng (4 phần), người anh trai bạn đã chết nên theo quy định tại Điều 677 Bộ luật dân sự 2005 thì con trai của người anh được hưởng thừa kế thế vị, được hưởng phần di sản của mẹ bạn để lại cho anh trai bạn.

Theo quy định tại Điều 645 Bộ luật dân sự 2005, thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Như vậy, trong trường hợp này, thời điểm mở thừa kế bắt đầu từ năm 1997 (người anh chết năm 1997) tính đến nay đã hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế đối với phần chia di sản thừa kế của anh trai bạn. Tuy nhiên, năm 2009 mẹ của anh/chị chết nên mới phát sinh thời điểm mở thừa kế chưa hết thời hiệu khởi kiện, do đó bạn vẫn có thể khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của mẹ bạn, theo đó xác định lại tài sản thừa kế trên cơ sở chia tài sản mà anh trai bạn để lại cho các đồng thừa kề.

Ngoài ra, Bộ luật dân sự mới được thông qua năm 2015 (có hiệu lực từ 01/01/2017) có quy định mới về thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản lên đến 30 năm. Do vậy, anh/chị có thể căn cứ tình hình thực tế để áp dụng pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

HUY LÂM

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào