Bị tai nạn khi đèn giao thông hỏng, ai là người phải đền?

Tại các ngã tư đèn xanh đèn đỏ, khi không có công an chốt trực mà đèn xanh đèn đỏ lại bị hỏng, nhảy lung tung không ổn định. Vậy nếu trường hợp xảy ra tai nạn giao thông chết người thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Trả lời về tình huống này, Chuyên gia tư vấn luật Trần Thị Hậu – Công ty luật Hợp Danh FDVN cho biết, đèn tín hiệu là một trong các công trình giao thông đường bộ theo Khoản 2 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008.

Vì vậy, nội dung và trách nhiệm quản lý, bảo trì đèn tín hiệu được phân thành từng cấp quy định tại Thông tư 52/2013/TT-BGTVT, ngày 12/12/2013 Quy định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ và Nghị định 46/2015/NĐ-CP, ngày 12/5/2015 Về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

[Bị tai nạn khi đèn giao thông hỏng, ai là người phải đền? - Ảnh 1]

Tai nạn tử vong khi đèn ngã tư hỏng thì ai chịu trách nhiệm?

Trong trường hợp đèn tín hiệu xảy ra sự cố xuất phát từ vi phạm các quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý mà gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác thì người có trách nhiệm được quy định trong các văn bản pháp luật nêu trên sẽ bị truy tố theo Tội Vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông tại Điều 220 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009).

Cụ thể, Thông tư 09/2015/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC, ngày 28/8/2013 Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIX của Bộ luật Hình sự về các Tội xâm phạm trật tự, an toàn giao thông tại Điều 15 có liệt kê các hành vi vi phạm các quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không là một trong các hành vi sau:

- Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định về duy tu, bảo dưỡng, quản lý để công trình giao thông không bảo đảm trạng thái an toàn kỹ thuật và tiêu chuẩn kỹ thuật của công trình (như: không bảo đảm hệ thống cọc tiêu, biển báo, biển chỉ dẫn, biểu hiệu…) liên quan đến bảo đảm an toàn giao thông;

- Không xử lý kịp thời đối với các công trình giao thông bị hư hỏng, đe dọa an toàn giao thông;

- Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn… ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại chưa kịp hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa;

- Không thường xuyên kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông trên đoạn đường đèo dốc nguy hiểm, đoạn đường có đá lở, đất sụt, nước ngập hoặc trên các đoạn đường có nguy cơ không bảo đảm an toàn giao thông;

- Không có biện pháp xử lý kịp thời và biện pháp ngăn ngừa tai nạn khi phát hiện hoặc được tin báo công trình giao thông thuộc thẩm quyền quản lý của mình bị hư hỏng;

Các vi phạm khác về duy tu, bảo dưỡng, quản lý công trình giao thông như không đặt hoặc đặt không đủ các tín hiệu phòng vệ theo quy định thi công, sửa chữa công trình giao thông; không thu dọn, thanh thải các biển phòng vệ, rào chắn, phương tiện, các vật liệu khi thi công xong và các hành vi tương tự khác.

Hình phạt được áp dụng tại Khoản 1 Điều này là phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Về trách nhiệm của người điều khiển phương tiện giao thông trực tiếp gây ra tai nạn từ nguyên nhân tín hiệu đèn giao thông bị hư hỏng, tùy theo từng tình huống, với tính chất mức độ khác nhau để xem họ có lỗi hay không một cách cụ thể mới có thể xem xét trách nhiệm được, nếu nguyên nhân gây tai nạn hoàn toàn do tín hiệu đèn giao thông gây ra thì rất khó quy trách nhiệm cho họ. Bởi lẽ trường hợp này có thể thuộc trường hợp gây thiệt hại do sự kiện bất ngờ quy định tại Điều 11 Bộ luật hình sự 1999 và không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, đối với mỗi vụ tai nạn thì tình tiết, yếu tố lỗi, hành vi của các bên liên quan đối với mỗi trường hợp khác nhau là không giống nhau, do đó cũng có các trường hợp lỗi một phần do đèn giao thông, lỗi một phần do người điều khiển phương tiện giao thông, và do đó cần có sự xác định rõ yếu tố lỗi của các bên để có quyết định truy cứu trách nhiệm một cách chính xác.

Để đảm bảo an toàn giao thông, thiết nghĩ, cần thiết quy định trách nhiệm của người dân trong việc phát hiện các sự cố xảy ra đèn tín hiệu và các loại công trình giao thông khác, báo cáo với các cơ quan chức năng và nâng cao ý thức khi điều khiển phương tiện giao thông hạn chế đến mức thấp nhất các tai nạn thương tâm có thể xảy ra.

HẬU TRẦN

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào