Đỗ xe không đúng nơi quy định gây tai nạn giao thông bị xử lý thế nào?
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Với thắc mắc của bạn, xin được đưa ra quan điểm tư vấn như sau:
Theo Khoản 1 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ có quy định Khi dừng xe, đỗ xe trên đường ngoài đô thị, người điều khiển phương tiện phải thực hiện các quy định sau đây:
a) Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết;
b) Cho xe dừng, đỗ ở nơi có lề đường rộng hoặc khu đất ở bên ngoài phần đường xe chạy; trường hợp lề đường hẹp hoặc không có lề đường thì phải cho xe dừng, đỗ sát mép đường phía bên phải theo chiều đi của mình;
c) Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì người điều khiển xe phải cho xe dừng, đỗ tại các vị trí đó;
d) Sau khi đỗ xe, người điều khiển chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn, nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy, phải đặt ngay báo hiệu để người điều khiển phương tiện khác biết;
đ) Không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn;
e) Xe cơ giới khi dừng, người lái xe không được rời khỏi vị trí lái;
g) Xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh.
Khoản 2 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ có quy định Cấm dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:
a) Bên trái đường một chiều;
b) Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;
c) Trên cầu, gầm cầu vượt;
d) Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;
đ) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;
e) Nơi đường giao nhau;
g) Nơi dừng của xe buýt;
h) Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;
i) Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;
k) Trong phạm vi an toàn của đường sắt;
l) Che khuất các biển báo hiệu đường bộ.
Điều 19 Luật Giao thông đường bộ có quy định về việc Dừng xe, đỗ xe trên đường trong đô thị như sau: Khi dừng xe, đỗ xe trên đường trong đô thị, người điều khiển phương tiện phải tuân theo quy định tại Điều 18 của Luật này và các quy định sau đây: Phải cho xe dừng, đỗ sát hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đỗ xe ở vị trí cách xe ô-tô đang đỗ bên kia đường tối thiểu 20 mét; Không được dừng xe, đỗ xe trên đường xe điện. Không được để phương tiện giao thông ở lòng đường, hè phố trái quy định.
Trường hợp trên đường đã xây dựng nơi dừng xe, đỗ xe hoặc quy định các điểm dừng xe, đỗ xe thì phải dừng, đỗ xe tại các vị trí đó.
Những hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện khi dừng, đỗ xe không đúng quy định sẽ bị xử phạt theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP (Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt của Chính Phủ).
Như vậy, nếu hành vi dừng đỗ xe của người lái xe tải được xác định là hành vi dừng đỗ xe không tuân thủ các quy định tại khoản 1 Điều 18, Điều 19 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 hoặc có hành vi dừng đỗ xe tại các địa điểm được quy định tại Khoản 2 Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 và gây ra tai nạn giao thông thì đó là hành vi vi phạm các quy định về lĩnh vực giao thông đường bộ và phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình, trong đó phải chịu các hình thức xử lý tương ứng với hành vi vi phạm giao thông (có thể là hành vi vi phạm hành chính hoặc có thể là hành vi vi phạm pháp luật hình sự) và phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị tai nạn (ông A) theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005. Ngược lại, việc dừng đỗ xe của người lái xe được xác định là đúng nơi quy định, không vi phạm pháp luật thì không phải chịu trách nhiệm về thiệt hại về sức khỏe và tài sản của ông A, vì người lái xe trên không có lỗi trong việc gây ra tai nạn. Ông A phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Trong vụ việc nói trên, trước mắt gia đình Ông A cần cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến vụ tai nạn giao thông cũng như tình trạng hiện nay cho cơ quan công an để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xác định hành vi vi phạm của những người có liên quan.
Theo quy định tại thì để bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định tại Nghị định này theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Việc trả lại phương tiện cho những người có liên quan đến vi phạm sẽ được cơ quan công an tiến hành khi không có hoặc không xác định được hành vi vi phạm hoặc đã giải quyết xong vụ việc (khi xác định là có hành vi vi phạm giao thông, đã bị xử phạt hành chính và không thuộc trường hợp tịch thu phương tiện vi phạm).
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.
Luật gia Đồng Xuân Thuận
Thư Viện Pháp Luật