Giám đốc doanh nghiệp có phải đóng bảo hiểm xã hội?

Tôi là giám đóc công ty TNHH MTV hiện đang có một số thắc mắc về BHXH như sau: - Đối với doanh nghiệp nhỏ ít người lao động thì việc đóng BHXH và BHYT thực hiện như thế nào. Doanh nghiệp có thể chưa đóng bảo hiểm cho người lao động trong vòng 6 tháng kể từ khi ký hợp đồng chính thức được không? Có văn bản nào hướng dẫn về vấn đề này không? - Giám đốc công ty TNHH MTV có bắt buộc phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN không? Mức đóng đó dựa vào đâu?

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Từ ngày 1/1/2018 trở đi, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật BHXH năm 2014 thì người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc bao gồm “…doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động”.

Như vậy, theo quy định hiện hành thì doanh nghiệp ở bất kỳ quy mô nào có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên phải có trách nhiệm đăng ký tham gia và đóng BHXH bắt buộc cho người lao động.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 97 Luật BHXH năm 2014 thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động nộp hồ sơ đăng ký tham gia BHXH của người lao động cho cơ quan BHXH. Như vậy, sau 6 tháng kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động mà công ty chưa đăng ký tham gia và đóng BHXH cho người lao động là vi phạm quy định của pháp luật về BHXH.

Theo Điều 2 nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 thì người lao động là công dân Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

 

c) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức;

d) Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

đ) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;

e) Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn;

g) Người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Khoản 4 Điều 123 của Luật Bảo hiểm xã hội.

Theo Điều 17 nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 thì Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc:

“Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại Khoản 2 Điều 89 của Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:

1. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2017, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.

2. Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.

3. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này là tiền lương do doanh nghiệp quyết định, trừ viên chức quản lý chuyên trách trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu.

Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội đối với người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này là tiền lương do đại hội thành viên quyết định”.

Theo quy định trên thì người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương là tiền lương do doanh nghiệp quyết định.

Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào