Chế độ lương đối với người có bằng thạc sĩ
Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội trả lời ông Linh như sau:
Tại Điều 35 Luật Cán bộ Công chức quy định, việc tuyển dụng công chức phải căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế.
Theo Điều 2, Thông tư số 13/2010/TT-BNV của Bộ Nội vụ, hồ sơ đăng ký dự tuyển công chức bao gồm: Đơn đăng ký dự tuyển công chức; Bản sơ yếu lý lịch tự thuật có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển; Bản sao giấy khai sinh; Bản chụp các văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển; Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp trong thời hạn 30 ngày, tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển; Giấy chứng nhận thuộc đối tượng ưu tiên trong tuyển dụng công chức (nếu có) được cơ quan có thẩm quyền chứng thực.
Tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này quy định: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo công nhận kết quả trúng tuyển của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức, người trúng tuyển phải đến cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức để hoàn thiện hồ sơ dự tuyển. Hồ sơ dự tuyển phải được bổ sung để hoàn thiện trước khi ký quyết định tuyển dụng bao gồm:
- Bản sao các văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, được cơ quan có thẩm quyền chứng thực;
- Phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp nơi thường trú cấp.
Thời điểm cơ quan có thẩm quyền chứng thực văn bằng, chứng chỉ, kết quả học tập và cấp phiếu lý lịch tư pháp được thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo trúng tuyển.
Theo khoản 1 Điều 22, Nghị định số 24/2010/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, trường hợp người trúng tuyển, khi đăng ký tuyển dụng vào công chức, viên chức theo trình độ chuyên môn của tiến sỹ hoặc thạc sĩ, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch, lĩnh vực cần tuyển, thì trong thời gian tập sự được hưởng 85% bậc 3 (đối với tiến sĩ) hoặc 85% bậc 2 (đối với thạc sĩ) của ngạch công chức cần tuyển.
Nhưng ở trường hợp ông Nguyễn Mạnh Linh, việc đăng ký tuyển dụng, nộp hồ sơ dự tuyển vào công chức theo trình độ đại học. Khi nhận được thông báo trúng tuyển ông đã nộp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trúng tuyển theo trình độ đại học, làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền ký quyết định tuyển dụng vào tháng 8/2013.
Trong thời gian tập sự theo vị trí việc làm của ngạch, chức danh yêu cầu trình độ đại học, đến tháng 4/2014, ông Linh mới có bằng thạc sĩ (có bằng thạc sĩ sau 8 tháng kể từ khi có quyết định tuyển dụng).
Theo đó, trong thời gian tập sự ông Linh được hưởng 85% mức lương bậc 1 của ngạch tuyển dụng; khi hoàn thành chế độ tập sự vào tháng 8/2014 ông được bổ nhiệm công chức ngạch chuyên viên, xếp lương bậc 1, hệ số 2,34, Bảng lương số 2 ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, là phù hợp với trình độ đại học ghi trong quyết định tuyển dụng, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế
Sau khi có quyết định tuyển dụng ông Linh mới có bằng thạc sĩ, nếu cơ quan sử dụng công chức có yêu cầu vị trí việc làm trình độ thạc sĩ, bản thân ông có đơn trình bày nguyện vọng được làm việc, hưởng lương theo trình độ thạc sĩ và được cơ quan quản lý công chức đồng ý, bổ sung chỉ tiêu biên chế, thì có thể ông được xếp lương cao hơn 1 bậc so với bậc lương đang hưởng trong ngạch đã bổ nhiệm.
Theo Luật sư Trần Văn Toàn
Cổng thông tin Điện tử Chính phủ
Thư Viện Pháp Luật