Phá hàng rào chung để xây hàng rào mới?
Mâu thuẫn giữa hai gia đình là do ông B tự ý phá dỡ hàng rào cúc tần để xây bức tường gạch mà không được sự đồng ý của bà T.
Trong tình huống này, cần xem xét vấn đề về: quyền sở hữu đối với mốc giới ngăn cách các bất động sản; nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản. Để giải quyết tình huống này, cán bộ tư pháp xã cần căn cứ vào Điều 265, 266 Bộ luật Dân sự năm 2005.
Về quyền sở hữu đối với mốc giới ngăn cách các bất động sản Khoản 1 Điều 266 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, chủ sở hữu bất động sản liền kề chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình. Những người sử dụng đất liền kề có thể thỏa thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, xây tường ngăn, trồng cây trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của những người đó. Dậu cúc tần giữa nhà ông B và nhà bà T đã tồn tại từ nhiều năm nay, do vậy thuộc sở hữu chung của cả hai gia đình va cả hai bên đều phải có nghĩa vụ bảo vệ hàng rào chung đó. Nếu ông B có ý định phá dậu cúc tần để xây bức tường mới thì phải có sự đồng ý của gia đình bà T.
Về nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản
Khoản 2 Điều 265 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, người có quyền sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và không được làm ảnh hưởng đền việc sử dụng đất liền kề của người khác.
Do vậy nếu bà T không đồng ý để ông B phá dậu cúc tần nhưng ông B vẫn muốn xây tường rào thì ông B chỉ được xây bức tường rào mới trên phần đất nhà mình, phía trong của hàng rào cúc tần.
Thư Viện Pháp Luật