Viện kiểm sát nhân dân tối cao tuyển dụng 04 công chức làm công tác chuyên môn nghiệp vụ kiểm sát?
Viện kiểm sát nhân dân tối cao tuyển dụng 04 công chức làm công tác chuyên môn nghiệp vụ kiểm sát?
Mới đây Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có Thông báo 38/TB-VKSTC 2023 về tuyển dụng công chức tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao năm 2023.
Cụ thể Viện kiểm sát nhân dân tối cao tuyển dụng 04 công chức làm công tác chuyên môn nghiệp vụ kiểm sát và 01 công chức làm công tác nghiệp vụ đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Điều kiện chung để đăng ký dự tuyển như sau:
- Là công dân Việt Nam và đang cư trú tại Việt Nam;
- Tuổi đời dự tuyển: Từ đủ 18 tuổi trở lên, đối với nam không quá 35 tuổi, đối với nữ không quá 30 tuổi.
- Có phiếu đăng ký dự tuyển; có lý lịch rõ ràng; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; về lịch sử chính trị của bản thân và gia đình: không vi phạm quy định của ngành Kiểm sát nhân dân về công tác bảo vệ chính trị nội bộ; không cótiền án, tiền sự; không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích, đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục; không phải là người đã bị cơ quan khác xử lý kỷ luật từ khiển trách trở lên hoặc đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật; đã được các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân sơ tuyển.
- Đủ sức khỏe để công tác theo kết luận của cơ quan y tế có thẩm quyền; không bị dị hình, dị tật, khuyết tật, không nói lắp, nói ngọng; nam cao từ 1,60m, nặng từ 50 kg trở lên; nữ cao từ 1,55m, nặng từ 45 kg trở lên.
- Có chứng chỉ ngoại ngữ với trình độ tương đương bậc 2 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam;
- Có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản.
Tải về Thông báo 38/TB-VKSTC 2023 tại đây
Viện kiểm sát nhân dân tối cao tuyển dụng 04 công chức làm công tác chuyên môn nghiệp vụ kiểm sát? (Hình từ Internet)
Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố nhằm mục đích gì?
Tại khoản 2 Điều 3 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 có quy định về chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân như sau:
Chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân
1. Thực hành quyền công tố là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.
2. Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố nhằm bảo đảm:
a) Mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội;
b) Không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái luật.
............
Như vậy, Viện kiểm sát thực hành quyền công tố nhằm mục đích bào đảm các vấn đề như sau:
- Mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội;
- Không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái luật.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố?
Tại khoản 3 Điều 3 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 có quy định về chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân như sau:
- Yêu cầu khởi tố, hủy bỏ quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án trái pháp luật, phê chuẩn, không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; trực tiếp khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong những trường hợp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định;
- Quyết định, phê chuẩn việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong việc khởi tố, điều tra, truy tố theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự;
- Hủy bỏ các quyết định tố tụng trái pháp luật khác trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong việc khởi tố, điều tra của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
- Khi cần thiết đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện;
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan cung cấp tài liệu để làm rõ tội phạm, người phạm tội;
- Trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; tiến hành một số hoạt động điều tra để làm rõ căn cứ quyết định việc buộc tội đối với người phạm tội;
- Điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, các tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật;
- Quyết định việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn điều tra, truy tố;
- Quyết định việc truy tố, buộc tội bị cáo tại phiên tòa;
- Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp Viện kiểm sát nhân dân phát hiện oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội;
- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong việc buộc tội đối với người phạm tội theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Trân trọng!
Mạc Duy Văn