Tính pháp lý nhà tập thể

Tôi đang muốn mua một căn hộ tập thể để sinh sống. Nhưng trong quá trình tìm hiểu mua nhà tôi có vấn đề thắc mắc mong luật sư giải đáp giúp tôi. Hiện nay nhà tập thể có hai loại: Một là nhà đã thanh lý, chủ sở hữu có sổ hồng, là chủ sở hữu pháp lý của căn hộ, không phải đóng tiền nhà hàng tháng. Hai là nhà tập thể chưa thanh lý, mới chỉ có hợp đồng thuê nhà với Nhà nước, hàng tháng vẫn đóng tiền thuê nhà. Nay tôi muốn mua một căn hộ dạng chưa thanh lý, khi sang tên chỉ là hợp đồng thuê nhà với nhà nước (Trong hợp đồng ghi rõ: thời hạn hợp đồng 02 năm, sau thời hạn trên tự động gia hạn 06 tháng một lần nếu không có vi phạm gì) Vậy sau này, nếu nhà nước có dự án đập bỏ, xây lại do quá cũ thì tôi có quyền được bồi thường một căn hộ tương tự diện tích như trên? Hay có được quyền lợi gì không? Xin cảm ơn.

Theo thông tin ông Thuấn trình bày thì ông Thuấn muốn mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước. Tuy nhiên, ông Thuấn cần lưu ý Điều 62 Nghị định 99/2015/NĐ-CP quy định các loại nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước thuộc diện không được bán (quy định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 10/12/2015):

“Điều 62. Loại nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước thuộc diện không được bán

1. Không thực hiện bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước thuộc diện quy định sau đây:

a) Nhà ở nằm trong khu vực quy hoạch xây dựng nhà ở công vụ, quy hoạch xây dựng công trình trọng điểm quốc gia hoặc công trình trọng điểm cấp tỉnh;

b) Nhà ở đã có quyết định thu hồi đất, thu hồi nhà của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Nhà không có nguồn gốc là nhà ở nhưng đang bố trí làm nhà ở và thuộc diện đang thực hiện xử lý, sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước;

d) Nhà ở gắn liền với di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà ở nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng làm nhà ở công vụ, công sở, trụ sở làm việc, trường học, bệnh viện, công viên, công trình phục vụ mục đích công cộng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

đ) Nhà chung cư bị hư hỏng, có nguy cơ sập đổ, không bảo đảm an toàn cho người sử dụng đã có kết luận kiểm định chất lượng của Sở Xây dựng nơi có nhà chung cư; căn hộ chung cư không khép kín chưa được Nhà nước cải tạo lại, trừ trường hợp người thuê đã tự cải tạo trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và việc sử dụng độc lập, tự nguyện, có sự đồng thuận thông qua cam kết bằng văn bản đề nghị được mua;

e) Nhà biệt thự nằm trong danh mục không thuộc diện được bán mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã báo cáo và đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Đối với biệt thự mà địa phương thống kê, rà soát sau khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ thì các biệt thự này cũng được quản lý theo các tiêu chí mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã quy định và đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

2. Đối với nhà ở thuộc diện không được bán quy định tại Khoản 1 Điều này, khi Nhà nước thực hiện xử lý nhà ở này thì căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, người đang thuê được giải quyết theo chính sách hiện hành về nhà ở, đất ở.”

Việc thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được thực hiện theo Điều 84 Luật Nhà ở chỉ đối với các trường hợp như sau:

“Điều 84. Thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước

1. Việc thu hồi nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được thực hiện khi có một trong các trường hợp sau đây:

a) Bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng hoặc không đủ điều kiện theo quy định của Luật này;

b) Hết thời hạn thuê theo hợp đồng mà bên thuê không còn nhu cầu thuê tiếp hoặc khi hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng thuê, thuê mua nhà ở;

c) Bên thuê, bên thuê mua trả lại nhà ở đang thuê, thuê mua;

d) Bên thuê không còn đủ điều kiện được thuê nhà ở theo quy định của Luật này;

đ) Bên thuê chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án mà không có ai đang cùng sinh sống; trường hợp thuê nhà ở công vụ thì khi người được thuê nhà ở công vụ chết hoặc có tuyên bố mất tích của Tòa án;

e) Bên thuê, thuê mua nhà ở không nộp tiền thuê nhà ở từ 03 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng;

g) Nhà ở cho thuê, cho thuê mua thuộc diện phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

h) Bên thuê, bên thuê mua sử dụng nhà ở không đúng mục đích như đã thỏa thuận trong hợp đồng thuê nhà ở hoặc tự ý chuyển đổi, bán, cho thuê lại, cho mượn nhà ở hoặc tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê, thuê mua.

2. Người đang thuê, thuê mua nhà ở thuộc diện bị thu hồi theo quy định tại khoản 1 Điều này phải bàn giao lại nhà ở cho đơn vị được giao quản lý nhà ở; trường hợp không bàn giao lại nhà ở thì cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở quyết định cưỡng chế thu hồi; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế thu hồi nhà ở này trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi.”

Như vậy trường hợp của ông Thuấn mua lại nhà tập thể chỉ dưới hình thức thuê lại của nhà nước thì sẽ không nhận được bồi thường khi nhà đang thuê phải phá dỡ do cải tạo, xây dựng lại.  

CafeLand kết hợp Công ty luật TNHH Đất Luật

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào