Trong công tác văn thư ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, loại văn bản nào cần thẩm định khi ban hành dự thảo?

Loại văn bản nào cần thẩm định khi ban hành dự thảo trong công tác văn thư ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam? Nội dung thẩm định dự thảo trong công tác văn thư ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam? Hồ sơ thẩm định dự thảo trong công tác văn thư ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam? Nhờ anh chị tư vấn, cảm ơn anh chị đã hỗ trợ.

1. Loại văn bản nào cần thẩm định khi ban hành dự thảo trong công tác văn thư ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam?

Tại Điều 15 Quy chế về công tác văn thư ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 3012/QĐ-BHXH năm 2022 có quy định về loại văn bản nào cần thẩm định khi ban hành dự thảo trong công tác văn thư ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam như sau:

1. Quy định, quy trình, quy chế, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ có phạm vi điều chỉnh toàn Ngành.

2. Văn bản, đề án xin ý kiến về chuyên môn, nghiệp vụ (không bao gồm đề án nghiên cứu khoa học) gửi Chính phủ, các Bộ, ngành; văn bản trao đổi, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nếu thấy cần thiết).

3. Văn bản cá biệt: liên quan đến xử lý vi phạm, xử lý kỷ luật, giải quyết tranh chấp; liên quan đến giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo kéo dài, phức tạp; liên quan đến vụ việc đã có bản án của Tòa án; liên quan đến thời hạn, thời hiệu, hiệu lực của văn bản; liên quan đến vấn đề áp dụng pháp luật.

4. Các văn bản khác theo yêu cầu của Lãnh đạo Ngành.

2. Nội dung thẩm định dự thảo trong công tác văn thư ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam?

Tại Điều 16 Quy chế về công tác văn thư ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 3012/QĐ-BHXH năm 2022 có quy định về nội dung thẩm định dự thảo trong công tác văn thư ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam như sau:

1. Thẩm định văn bản quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 15

Sự cần thiết ban hành văn bản.

Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo văn bản.

Sự phù hợp của nội dung dự thảo văn bản với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của dự thảo với các văn bản do BHXH Việt Nam ban hành.

Tính khả thi của dự thảo văn bản.

Việc tuân thủ thủ tục và trình tự soạn thảo văn bản.

Sự cần thiết; tính hợp lý; chi phí tuân thủ của thủ tục hành chính nếu trong dự thảo văn bản có quy định thủ tục hành chính.

2. Thẩm định văn bản quy định tại khoản 3 Điều 15

Thẩm định tính phù hợp của dự thảo văn bản đảm bảo không trái với các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản do BHXH Việt Nam ban hành.

3. Hồ sơ thẩm định dự thảo trong công tác văn thư ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam?

Tại Điều 17 Quy chế về công tác văn thư ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 3012/QĐ-BHXH năm 2022 có quy định về hồ sơ thẩm định dự thảo trong công tác văn thư ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam như sau:

1. Công văn đề nghị thẩm định của đơn vị chủ trì soạn thảo.

2. Phiếu trình giải quyết công việc.

3. Tờ trình Lãnh đạo cơ quan do Thủ trưởng đơn vị soạn thảo ký, đóng dấu đúng thẩm quyền (đối với các đơn vị có con dấu). Trong Tờ trình phải thuyết minh rõ nội dung chính của văn bản, đề án, luận cứ của các kiến nghị.

4. Dự thảo văn bản lần cuối đã có chữ “ký tắt” theo quy định.

5. Tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia của các đơn vị, kể cả ý kiến tư vấn khác (nếu có); Ý kiến tham gia bằng văn bản của các đơn vị có liên quan.

6. Công văn đến đã qua xử lý (nếu có).

7. Ý kiến của Lãnh đạo cơ quan (nếu có).

8. Các tài liệu liên quan khác.

9. Riêng văn bản có quy định về thủ tục hành chính phải có thêm bản đánh giá tác động về thủ tục hành chính theo quy định của BHXH Việt Nam.

Trân trọng!

Huỳnh Minh Hân

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào