Kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm có nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào?

Nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm là gì? Trách nhiệm của kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm là gì? Những việc nào kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm không được làm? Các trường hợp kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm không được tham gia thành viên đoàn đánh giá ngoài, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục? Câu hỏi của anh Thành (Quảng Trị)

Nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm là gì?

Căn cứ Khoản 1 Điều 5 Thông tư 14/2022/TT-BGDĐT nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm như sau:

a) Tham gia đoàn đánh giá ngoài, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định;
b) Độc lập về quan điểm chuyên môn, trung thực, khách quan, công bằng công khai, minh bạch trong thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn;
c) Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật có liên quan và theo quy định, thỏa thuận hợp pháp với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

Như vậy, Nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm là:

- Tham gia đoàn đánh giá ngoài, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định;

- Độc lập về quan điểm chuyên môn, trung thực, khách quan, công bằng công khai, minh bạch trong thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn;

- Nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật có liên quan và theo quy định, thỏa thuận hợp pháp với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục.

Trách nhiệm của kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm là gì?

Theo Khoản 2 Điều 5 Thông tư 14/2022/TT-BGDĐT trách nhiệm của kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm như sau:

- Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của kiểm định viên; tuân thủ quy định của pháp luật và các quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan khi thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục;

- Trong thời gian mỗi 05 năm (60 tháng) sau ngày được cấp thẻ, phải tham gia ít nhất 02 (hai) đoàn đánh giá ngoài và 01 (một) khóa bồi dưỡng thường xuyên nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ kiểm định viên do cơ sở bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định viên đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 8 của Thông tư này tổ chức hoặc 01 (một) khóa bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ kiểm định viên do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức;

- Thực hiện việc giải trình về hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục với cơ quan quản lý nhà nước khi có yêu cầu.

Những việc nào kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm không được làm?

Theo Khoản 3 Điều 5 Thông tư 14/2022/TT-BGDĐT những việc nào kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm không được làm bao gồm:

- Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn của kiểm định viên để thực hiện hành vi trái nguyên tắc của hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nhằm trục lợi từ cơ sở giáo dục, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan;

- Móc nối, quan hệ với cơ sở giáo dục, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để làm trái quy định pháp luật trong việc thương thảo, ký kết hợp đồng tư vấn kiểm định chất lượng giáo dục, ảnh hưởng đến lợi ích công cộng, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

- Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích nào khác từ cơ sở giáo dục và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan ngoài khoản thù lao, chi phí đã thỏa thuận theo hợp đồng đã ký kết và theo quy định pháp luật;

- Xúc phạm danh dự hoặc hạ thấp uy tín của đồng nghiệp; lợi dụng ảnh hưởng của mình để can thiệp trái quy định vào hoạt động của đồng nghiệp;

- Các hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật.

Các trường hợp kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm không được tham gia thành viên đoàn đánh giá ngoài, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục?

Tại Điều 6 Thông tư 14/2022/TT-BGDĐT các trường hợp kiểm định viên giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm không được tham gia thành viên đoàn đánh giá ngoài, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục như sau:

- Kiểm định viên không được tham gia thành viên đoàn đánh giá ngoài, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục khi:

+ Đang làm việc cho tổ chức hoặc cá nhân đầu tư của cơ sở đào tạo đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục;

+ Có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; cha, mẹ, anh ruột, chị ruột, em ruột của vợ hoặc chồng; người giám hộ; người được giám hộ (gọi chung là người thân) đang làm việc hoặc học tập tại cơ sở đào tạo đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục;

+ Đã hoặc đang là người học, người làm việc ở cơ sở đào tạo đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục;

+ Trong thời gian 24 tháng liền kề trước thời điểm quyết định thành lập đoàn đánh giá ngoài đã thực hiện tư vấn tự đánh giá cho cơ sở đào tạo đăng ký kiểm định chất lượng giáo dục.

- Kiểm định viên không được tham gia thành viên đoàn đánh giá ngoài, hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục khi có liên quan đến phản ánh, kiến nghị đang trong thời gian được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.

Trân trọng!

Mạc Duy Văn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào