Doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh trong các trường hợp nào?

Trong trường hợp nào doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh? Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có các quyền và nghĩa vụ gồm những gì? Cơ cấu tổ chức và chức danh quản lý của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định nào? Xin được giải đáp.

1. Trong trường hợp nào doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh?

Căn cứ Điều 13 Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định điều kiện xác định doanh nghiệp quốc phòng, an ninh như sau:

Doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh trong các trường hợp sau:

1. Đảm bảo đồng thời các điều kiện sau:

a) Là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp.

b) Có ngành, lĩnh vực và địa bàn hoạt động quy định tại Phụ lục 1 về Danh mục ngành, lĩnh vực hoặc địa bàn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh kèm theo Nghị định này.

c) Được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh hoặc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh bằng nguồn lực của Nhà nước hoặc nguồn lực của doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu đầu tư, thành lập doanh nghiệp.

2. Các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh từng thời kỳ.

2. Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có các quyền và nghĩa vụ gồm những gì?

Theo Điều 14 Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh như sau:

Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh có các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 9 Luật Doanh nghiệp và các quy định sau:

1. Được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bảo đảm đủ nguồn lực, đầu tư đủ vốn điều lệ để thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao.

2. Được sử dụng các nguồn lực được giao để hoạt động kinh doanh bổ sung ngoài thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khi bảo đảm các điều kiện sau:

a) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chấp thuận bằng văn bản;

b) Hoạt động kinh doanh bổ sung có mục đích để kết hợp hỗ trợ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc để phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao;

c) Không làm giảm năng lực và ảnh hưởng tới việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao;

d) Thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật.

3. Tiến hành quản lý nguồn lực được giao để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh theo các quy định hiện hành về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại đơn vị vũ trang nhân dân và quy định của pháp luật có liên quan.

4. Chấp hành quyết định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về việc chuyển giao phần vốn hoặc tài sản phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp cho doanh nghiệp khác để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong trường hợp cần thiết. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong trường hợp chuyển giao phần vốn hoặc tài sản phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của doanh nghiệp.

5. Thay đổi hoặc bổ sung ngành, nghề kinh doanh sau khi có sự chấp thuận của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

6. Chấp hành các quy định pháp luật về hợp tác quốc tế và của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an khi thực hiện các hoạt động liên kết với tổ chức, cá nhân nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

3. Cơ cấu tổ chức và chức danh quản lý của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định nào?

Tại Điều 15 Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định cơ cấu tổ chức và chức danh quản lý của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh như sau:

1. Cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và các quy định pháp luật liên quan.

2. Tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh quản lý của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Trân trọng!

Phan Hồng Công Minh

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào