Có cần phải có chữ ký của cả hai người không khi đó là hợp đồng thế chấp tài sản chung của vợ chồng?
Hợp đồng thế chấp tài sản chung của vợ chồng có cần phải có chữ ký của cả hai người không?
Câu hỏi: Xin chào anh/chị ban biên tập, tôi tên Linh sinh sống và làm việc tại Vĩnh Long. Tôi có một vấn đề sau nhờ anh/chị hỗ trợ: do cần tiền kinh doanh nên vợ chồng tôi định thế chấp mảnh đất mà trước đó hai vợ chồng mua được. Trước đó, hai vợ chồng thỏa thuận với nhau là để chồng tôi đứng tên, do đó mà trên giấy chứng nhận QSDD đứng tên một người, nhưng đó là tài sản chung của 2 vợ chồng tôi. Vậy thì trên đơn đăng ký thế chấp thể hiện bên thế chấp là 1 người hay là 2 vợ chồng? Hay nói một cách cụ thể: Hợp đồng thế chấp tài sản chung vợ chồng cần phải có chữ ký của cả hai người không? Văn bản nào quy định vấn đề này? Mong sớm nhận được câu trả lời từ Ban biên tập, chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định về việc đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản chung, như sau:
1. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác…
Như vậy, theo quy định trên thì quyền sử dụng đất nếu thuộc trường hợp là tài sản chung của 02 vợ chồng thì trong chứng nhận phải ghi tên của cả hai vợ chồng. Nhưng pháp luật cũng cho phép vợ chồng tự thỏa thuận với nhau về vấn đề đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nên việc mỗi chồng hoặc vợ đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn được xác định là tài sản chung của cả vợ và chồng.
Theo quy định tại Điều 24 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định đối với hợp đồng thế chấp là tài sản chung của vợ chồng như sau:
Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng…
Và thường thì, khi ký hợp đồng thế chấp mà tài sản thế chấp là tài sản chung của vợ chồng. Thì trong hợp đồng thế chấp sẽ phải có chữ ký của cả hai vợ chồng. Song pháp luật cho phép vợ chồng được ủy quyền cho nhau để thực hiện các giao dịch theo quy định của pháp luật. Thế nên, khi ký tên trong hợp đồng thế chấp tài sản quyền sử dụng đất là tài sản chung của 2 vợ chồng với bên nhận thế chấp thì cả 2 vợ chồng đều phải ký, trong trường hợp chỉ có một bên vợ hoặc chồng ký thì bắt buộc phải có văn bản ủy quyền về sự đồng ý thế chấp của người còn lại.
Việt Nam đã công nhận hợp đồng hôn nhân chưa?
Câu hỏi: Cho em hỏi có thể viết một cam kết thoả thuận giữa 2 vợ chồng rồi xin dấu ở xã về việc sau này 1 trong 2 người ngoại tình toàn bộ con cái, tài sản thuộc về người còn lại không ạ, có hiệu lực không ạ? Làm thế nào để giấy đó có giá trị pháp lý?
Trả lời:
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể nào về vấn đề hợp đồng hôn nhân ngoài thỏa thuận về chế độ tài sản.
Theo đó, các bên có thể lập thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng theo Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.
Nội dung cơ bản của thỏa thuận về chế độ tài sản bao gồm (Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình 2014):
- Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;
- Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;
- Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;
- Nội dung khác có liên quan.
Lưu ý: Khi thực hiện chế độ tài sản theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật Hôn nhân Gia đình 2014 và quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định.
Về con cái: Theo Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì:
- Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Trường hợp của bạn, thì có thể lập thỏa thuận xác lập chế độ tài sản, đối với vấn đề nuôi con thì khi ly hôn sẽ do hai bên thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
Ký hợp đồng thuê người khác mang thai hộ có được không?
Câu hỏi: Chào luật sư. Tôi năm nay 24 tuổi, chưa lập gia đình. Tôi muốn hỏi là nếu như tôi chưa có vợ nhưng muốn thuê người khác mang thai hộ cho mình - nghĩa là ký hợp đồng mang thai hộ với một người phụ nữ khác trên 18 tuổi, giao cấu và sinh sản thì có bị vi phạm pháp luật không? Nếu có, thì tôi đã vi phạm nhưng điều luật nào? Bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã quy định điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như sau:
– Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
Điều kiện để vợ chồng có thể nhờ người khác mang thai hộ
– Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
b) Vợ chồng đang không có con chung;
c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Điều kiện của người nhận lời mang thai hộ
– Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Theo đó, vợ chồng phải đáp ứng tất cả các điều kiện trên thì mới có thể được xem xét mang thai hộ.
Khi áp dụng phương thức này, vợ chồng có thể nhờ người họ hàng thân thích cùng hàng của vợ hoặc chồng để mang thai hộ. Về điều kiện của người mang thai hộ, bạn tham khảo tại Khoản 7 Điều 2 Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo:
Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ.
Như vậy, căn cứ quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành thì việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo hiện nay chỉ áp dụng với các cặp vợ chồng bị vô sinh không có con chung do vậy trường hợp của bạn không thuộc các trường hợp được thực hiện việc mang thai hộ.
Mặt khác nếu bạn ký hợp đồng thuê một người phụ nữ nào đó mang thai và sinh con cho bạn thì đây là một giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Bạn sẽ phải chịu hoàn toàn rủi ro về phía mình, ví dụ sau khi sinh con người phụ nữ không chịu giao con cho bạn theo hợp đồng...
Trân trọng!
Nguyễn Minh Tài