Chưa được xóa án tích thì không được xét cấp thẻ nhà báo?

Chưa được xóa án tích có được xét cấp thẻ nhà báo? Để được cấp thẻ nhà báo phóng viên phải có bằng cao đẳng trở lên? Phóng viên chuyển công tác có phải đổi lại thẻ nhà báo không?

Chưa được xóa án tích có được xét cấp thẻ nhà báo?

Cho hỏi trường hợp phạm tội nhưng chưa được xóa án tích thì không được xem xét cấp thẻ nhà báo?

Trả lời:

Khoản 3 Điều 27 Luật Báo chí 2016 có quy định những trường hợp sau đây không được xét cấp thẻ nhà báo:

a) Không thuộc các đối tượng quy định tại Điều 26 của Luật này;

b) Đã vi phạm quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo;

c) Đã bị xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức và pháp luật về lao động mà chưa hết thời hạn 12 tháng tính đến thời Điểm xét cấp thẻ;

d) Là đối tượng liên quan trong các vụ án chưa có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

đ) Đã bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mà chưa được xóa án tích;

...

Theo đó người đã bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án mà chưa được xóa án tích thì sẽ không được được xét cấp thẻ nhà báo.

Để được cấp thẻ nhà báo phóng viên phải có bằng cao đẳng trở lên?

Cho hỏi trình độ văn hóa tối thiểu đối với phóng viên của các cơ quan báo chí để được cấp thẻ nhà báo ạ? Trình độ cao đẳng có được không?

Trả lời:

Theo Khoản 3 Điều 26 Luật Báo chí 2016 thì phóng viên của các cơ quan báo chí sẽ thuộc đối tượng được xét cấp thẻ nhà báo.

Và Khoản 1 Điều 27 Luật này cũng quy định về điều kiện, tiêu chuẩn được xét cấp thẻ nhà báo như sau:

Người công tác tại cơ quan báo chí quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 26 của Luật này được xét cấp thẻ nhà báo phải bảo đảm các Điều kiện và tiêu chuẩn sau đây:

a) Là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam;

b) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên; trường hợp là người dân tộc thiểu số đang thực hiện các ấn phẩm báo in, chương trình phát thanh, truyền hình, chuyên trang của báo điện tử bằng tiếng dân tộc thiểu số phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên;

c) Đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu, phải có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ 02 năm trở lên tính đến thời Điểm xét cấp thẻ, trừ tổng biên tập tạp chí khoa học và những trường hợp khác theo quy định của pháp luật;

d) Được cơ quan báo chí hoặc cơ quan công tác đề nghị cấp thẻ nhà báo.

Như vậy, theo quy định thì phóng viên của các cơ quan báo chí để được xét cấp thẻ nhà báo phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên. Tuy nhiên, trừ trường hợp là người dân tộc thiểu số đang thực hiện các ấn phẩm báo in, chương trình phát thanh, truyền hình, chuyên trang của báo điện tử bằng tiếng dân tộc thiểu số phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên.

Vậy nên tùy yêu cầu, vị trí công việc cụ thể mà phóng viên của các cơ quan báo chí sẽ phải có trình độ như quy định trên.

Phóng viên chuyển công tác có phải đổi lại thẻ nhà báo không?

Tôi là phóng viên ở đài truyền thanh truyền hình huyện Nam Đàn, Nghệ An đã được cấp thẻ nhà báo. Tôi lấy chồng ở thị xã Thái Hòa, Nghệ An và sắp tới chuyển công tác đến đài truyền thanh truyền hình thị xã Thái Hòa, tôi vẫn làm biên tập viên thì có phải xin đổi lại thẻ nhà báo không? Nếu có thì mình cần chuẩn bị giấy tờ gì?

Trả lời:

Khoản 3 Điều 28 Luật Báo chí 2016 quy định:

Người đã được cấp thẻ nhà báo khi chuyển sang làm việc tại cơ quan, đơn vị công tác khác mà vẫn thuộc đối tượng được cấp thẻ nhà báo theo quy định tại Điều 26 của Luật này thì phải làm thủ tục xin đổi thẻ nhà báo về cơ quan mới.

Theo quy định này khi bạn chuyển sang làm việc tại cơ quan mới và vẫn làm biên tập viên là đối tượng được cấp thẻ nhà báo theo Điều 26 Luật Báo chí 2016. Như vậy thì bạn phải làm thủ tục xin đổi thẻ nhà báo về cơ quan mới.

Trân trọng!

Mạc Duy Văn

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào