Thủ tục giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đối với hãng vận tải nước ngoài theo phương pháp trực tiếp thế nào?
Thủ tục giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đối với hãng vận tải nước ngoài theo phương pháp trực tiếp
Căn cứ Điểm b.3 Khoản 1 Điều 62 Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định về thủ tục giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đối với hãng vận tải nước ngoài theo phương pháp trực tiếp như sau:
b.3) Đối với hãng vận tải nước ngoài:
b.3.1) Khi quyết toán thuế, hãng vận tải nước ngoài hoặc đại lý của hãng vận tải nước ngoài phải gửi cho cơ quan thuế hồ sơ đề nghị miễn, giảm thuế theo Hiệp định thuế. Hồ sơ gồm:
b.3.1.1) Văn bản đề nghị theo mẫu số 01/HTQT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này;
b.3.1.2) Bản gốc (hoặc bản sao đã được chứng thực) Giấy chứng nhận cư trú do cơ quan thuế của nước, vùng lãnh thổ nơi hãng tàu nước ngoài cư trú cấp cho năm tính thuế ngay trước năm đề nghị miễn, giảm thuế theo Hiệp định thuế đã được hợp pháp hóa lãnh sự.
b.3.2) Đại lý của hãng vận tải nước ngoài tại Việt Nam hoặc văn phòng đại diện của hãng vận tải nước ngoài có trách nhiệm lưu trữ các hồ sơ, tài liệu, chứng từ theo quy định của Luật kế toán, Nghị định hướng dẫn Luật kế toán và Bộ Luật Hàng hải và xuất trình khi cơ quan thuế yêu cầu.
b.3.3) Trường hợp hãng vận tải nước ngoài hoặc đại lý của hãng vận tải nước ngoài ủy quyền cho đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục áp dụng Hiệp định thuế phải nộp thêm bản gốc giấy ủy quyền.
b.3.4) Kết thúc năm, hãng vận tải nước ngoài hoặc đại lý của hãng vận tải nước ngoài gửi cơ quan thuế Giấy chứng nhận cư trú đã được hợp pháp hóa lãnh sự của hãng tàu cho năm đó.
b.3.5) Trường hợp năm trước đó đã có hồ sơ đề nghị miễn, giảm thuế theo Hiệp định thuế thì các năm tiếp theo hãng vận tải nước ngoài hoặc đại lý của hãng vận tải nước ngoài chỉ cần thông báo bất kỳ sự thay đổi nào về các thông tin đã đề nghị tại mẫu số 01/HTQT của năm trước đó và cung cấp các tài liệu tương ứng với việc thay đổi.
b.3.6) Trường hợp các hãng vận tải nước ngoài có các đại lý tại nhiều địa phương ở Việt Nam hoặc các đại lý của hãng vận tải nước ngoài có các chi nhánh hoặc văn phòng đại diện (sau đây gọi chung là chi nhánh) tại nhiều địa phương ở Việt Nam thì các hãng vận tải nước ngoài hoặc đại lý của hãng vận tải nước ngoài nộp bản gốc (hoặc bản sao đã được chứng thực) Giấy chứng nhận cư trú đã hợp pháp hóa lãnh sự cho Cục Thuế địa phương nơi đại lý của hãng vận tải nước ngoài có trụ sở chính; gửi bản sao Giấy chứng nhận cư trú đã hợp pháp hóa lãnh sự tại các Cục Thuế địa phương nơi hãng vận tải nước ngoài có chi nhánh và ghi rõ nơi đã nộp bản gốc (hoặc bản sao đã được chứng thực) trong Văn bản đề nghị miễn, giảm thuế theo Hiệp định thuế.
Thủ tục giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đối với tái bảo hiểm nước ngoài theo phương pháp trực tiếp
Căn cứ b.4 Khoản 1 Điều trên quy định về thủ tục giảm thuế theo Hiệp định tránh đánh thuế hai lần đối với tái bảo hiểm nước ngoài theo phương pháp trực tiếp như sau:
b.4) Đối với tái bảo hiểm nước ngoài:
Các tổ chức nhận tái bảo hiểm nước ngoài trực tiếp nộp hồ sơ đề nghị áp dụng Hiệp định thuế cho từng năm cho tất cả các hợp đồng tái bảo hiểm mà các tổ chức đã ký kết hoặc dự kiến ký kết trong năm đó. Các tổ chức nhận tái bảo hiểm nước ngoài có thể uỷ quyền cho các đại lý thuế, văn phòng đại diện của công ty tại Việt Nam hoặc công ty tái bảo hiểm Việt Nam nộp hồ sơ. Khi đó, các tổ chức nhận tái bảo hiểm nước ngoài nộp cho cơ quan thuế 02 hồ sơ đề nghị gồm: hồ sơ đề nghị dự kiến và hồ sơ đề nghị chính thức. Cụ thể như sau:
b.4.1) Đối với hồ sơ đề nghị dự kiến: 05 ngày trước khi ký kết hợp đồng; hoặc 05 ngày sau khi thực hiện hợp đồng; hoặc 05 ngày trước khi thanh toán, tùy theo thời điểm nào diễn ra trước, các tổ chức nhận tái bảo hiểm nước ngoài có trách nhiệm nộp cho cơ quan thuế hồ sơ đề nghị dự kiến cùng với tài liệu liên quan. Các tổ chức nhận tái bảo hiểm nước ngoài có văn phòng đại diện tại Việt Nam nộp hồ sơ tại Cục Thuế tỉnh, thành phố nơi đóng văn phòng đại diện. Đối với các tổ chức nhận tái bảo hiểm nước ngoài không có văn phòng đại diện tại Việt Nam:
b.4.1.1) Trường hợp các tổ chức nhận tái bảo hiểm nước ngoài trực tiếp nộp hồ sơ thì nộp tại Cục Thuế tỉnh, thành phố nơi Công ty tái bảo hiểm Việt Nam đầu tiên dự kiến ký kết hợp đồng;
b.4.1.2) Trường hợp các tổ chức nhận tái bảo hiểm nước ngoài uỷ quyền cho đại diện hợp pháp tại Việt Nam (Đại lý thuế, Công ty kiểm toán hoặc Công ty tái bảo hiểm Việt Nam đầu tiên dự kiến ký kết hợp đồng...) nộp hồ sơ: Nộp tại Cục Thuế tỉnh, thành phố nơi đại điện hợp pháp đăng ký nộp thuế.
b.4.1.3) Hồ sơ đề nghị dự kiến bao gồm: Văn bản đề nghị dự kiến theo mẫu số 01/TBH-TB ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này; Bản gốc (hoặc bản sao đã được chứng thực) Giấy chứng nhận cư trú do cơ quan thuế của nước cư trú cấp đã được hợp pháp hoá lãnh sự (cho năm ngay trước năm nộp hồ sơ đề nghị dự kiến; Bảng kê các Hợp đồng tái bảo hiểm đã hoặc dự kiến ký kết theo mẫu số 01-1/TBH-TB ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này; Giấy uỷ quyền trong trường hợp người nộp thuế uỷ quyền cho đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục áp dụng Hiệp định thuế.
b.4.2) Đối với hồ sơ đề nghị chính thức: Trong vòng quý I của năm sau, tổ chức nhận tái bảo hiểm nước ngoài có trách nhiệm nộp cho cơ quan thuế hồ sơ đề nghị chính thức cùng với tài liệu liên quan tương tự như đối với việc nộp hồ sơ đề nghị dự kiến.
Hồ sơ đề nghị chính thức bao gồm: Văn bản đề nghị chính thức theo mẫu số 02/TBH-TB ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này; Bản gốc (hoặc bản sao đã được chứng thực) Giấy chứng nhận cư trú do cơ quan thuế của nước cư trú cấp đã được hợp pháp hoá lãnh sự trong năm tính thuế đó; Bản sao các hợp đồng tái bảo hiểm đã thực hiện trong năm có xác nhận của người nộp thuế (bao gồm cả những hợp đồng đã có trong kế hoạch và những hợp đồng ngoài kế hoạch đã gửi cơ quan thuế) nhưng chưa nộp cho cơ quan thuế; Danh mục hợp đồng theo từng loại theo mẫu số 02-1/TBH-TB ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này. Tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị chính thức, người nộp thuế sẽ phân loại hợp đồng và gửi danh mục hợp đồng theo từng loại (với các chỉ tiêu nhất định); mỗi loại hợp đồng chỉ gửi một bản sao có xác nhận của người nộp thuế để làm mẫu. Người nộp thuế phải chịu trách nhiệm về việc thống kê này; Giấy uỷ quyền trong trường hợp người nộp thuế uỷ quyền cho đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục áp dụng Hiệp định thuế.
Trân trọng!
Tạ Thị Thanh Thảo