Khi đang làm việc tại một doanh nghiệp, có được ký hợp đồng với doanh nghiệp khác không?
Khi đang làm việc tại một doanh nghiệp, có được ký hợp đồng với doanh nghiệp khác?
Hiện tại em đang làm việc cho 1 doanh nghiệp về may mặc, tuy nhiên đang được nghỉ không hưởng lương, không biết đến khi nào mới đi làm lại. Em đã tìm được 1 công việc khác và đơn vị này yêu cầu ký hợp đồng lao động. Như vậy thì có được không ạ?
Trả lời: Điều 19 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc giao kết nhiều hợp đồng lao động như sau:
- Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.
- Người lao động đồng thời giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Theo đó thì bạn có quyền ký kết nhiều hợp đồng lao động với các công ty khác nhau. Bạn lưu ý phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.
Công ty đổi tên, ký lại hợp đồng lao động có bị tính lại thâm niên làm việc?
Em làm ở công ty về may mặc đã được 4 năm theo hợp đồng không xác định thời hạn. Tuy nhiên vừa rồi khi công ty đổi tên thì có yêu cầu toàn bộ nhân sự ký lại hợp đồng lao động theo thời hạn mới bắt đầu từ 21/02/2021 theo tên công ty mới. Như vậy thì thâm niên làm việc của em từ 4 năm trước không được ghi nhận nữa ạ? Nghe nói làm việc được 5 năm sẽ có thêm ngày phép đúng không ạ?
Trả lời: Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 thì:
Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
- 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
- 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;
- 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Đồng thời, Điều 114 Bộ luật này cũng xác định:
Cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 01 ngày.
Theo thông tin anh cung cấp, công ty anh đổi tên công ty nên yêu cầu người lao động ký lại hợp đồng lao động tính theo thời điểm ký hiện tại. Tuy nhiên, về bản chất, từ lần ký hợp đồng lao động trước kia đến lần này, anh vẫn làm việc liên tục cho cùng một người sử dụng lao động chứ không phải 2 công ty khác nhau.
Do vậy, thâm niên làm việc để xác định các quyền lợi của anh theo Bộ luật Lao động 2019 vẫn được áp dụng tính từ lần ký hợp đồng lao động đầu tiên chứ không bị mất do thay đổi tên công ty.
Phụ lục hợp đồng lao động thay đổi nơi làm việc thì có hiệu lực không?
Trong hợp đồng lao động có quy định rõ địa điểm nơi làm việc của người lao động. Nay người lao động và người sử dụng lao động có thảo thuận thay đổi nơi làm việc nhưng không muốn ký hợp đồng mới mà ký phụ lục hợp đồng lao động thì có được không?
Trả lời: Tại Điều 22 Bộ luật lao động 2019, có quy định:
- Phụ lục hợp đồng lao động là bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.
- Phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động.
Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.
=> Như vậy, theo quy định nêu trên thì phụ lục hợp đồng được sửa đổi một số điều khoản của hợp đồng, không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động, còn việc thay đổi nơi làm việc của người lao động thì không sai quy định bạn nhé!
Trân trọng.
Lê Bảo Y