Vợ mê đánh bài, chồng có thể ly hôn không? Đơn phương ly hôn có bất lợi gì không?

Vợ mê đánh bài, chồng có thể ly hôn không? Đơn phương ly hôn có bất lợi gì không? Người bị tuyên bố chết trở về tài sản đã chia giải quyết ra sao?

Vợ mê đánh bài, chồng có thể ly hôn không?

Vợ tôi trước khi cưới đã thích đánh bài, tôi nghĩ sau khi cưới có thể sẽ vì gia đình mà không đánh bài nữa. Tuy nhiên, tình trạng ngày càng nghiêm trọng hơn, vợ tôi đi vay mượn tiền xã hội đen để đánh bài. Tôi phải bán nhà để trả nợ nhưng đến nay vợ tôi vẫn chứng nào tật nấy, tôi không muốn tiếp tục chung sống với cô ấy nữa nên mong Ban biên tập tư vấn giúp tôi. Trường hợp của tôi có thể nộp đơn lên Tòa yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương được không? Xin cảm ơn 

Trần Anh Kiệt - TPHCM

 

Trả lời:

Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:

1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Như vậy, trong trường hợp vợ anh đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì Anh không được quyền yêu cầu ly hôn. Trường hợp vợ anh không đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì Anh được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc ly hôn theo yêu cầu của một bên vợ, chồng như sau:

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Căn cứ theo các quy định nêu trên, vợ Anh thích đánh bài, ham mê cờ bạc, Anh có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Tuy nhiên, Tòa án sẽ quyết định cho ly hôn nếu Anh chứng minh được việc đánh bài của vợ Anh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống gia đình, làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được...theo quy định của pháp luật.

Ban biên tập thông tin đến Anh!

Người bị tuyên bố chết trở về tài sản đã chia giải quyết ra sao?

Anh trai tôi đi khỏi nhà đã hơn 06 năm, gia đình, vợ con anh cũng có tìm kiếm nhưng không thấy, nên có làm theo quy định pháp luật là tuyên bố anh chết. Phần tài sản mà vốn dĩ là của anh, do lúc còn ở nhà anh làm ra, do thừa kế di chúc của cha mẹ thì khi có quyết định tuyên bố anh chết thì gia đình có chia di sản theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, nay anh quay trở về, chúng tôi không khỏi bàng hoàng, xót xa khi biết được cuộc sống của anh trong 06 năm qua gặp nhiều trắc trở. Tuy nhiên, phần tài sản của anh thì đã chia rồi, giờ chúng tôi không biết giải quyết thế nào, nên nhờ Ban tư vấn hỗ trợ giúp: Người bị tuyên bố chết trở về phần thì tài sản đã chia giải quyết ra sao?

(***@gmail.com)

Trả lời:

Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 73 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:

Người bị tuyên bố là đã chết mà còn sống có quyền yêu cầu những người đã nhận tài sản thừa kế trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn.

Trường hợp người thừa kế của người bị tuyên bố là đã chết biết người này còn sống mà cố tình giấu giếm nhằm hưởng thừa kế thì người đó phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã nhận, kể cả hoa lợi, lợi tức; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Như vậy, khi anh bạn có yêu cầu nhận lại tài sản, thì những người đã nhận tài sản thừa kế trước đó phải trả lại tài sản, giá trị tài sản hiện còn.

** Lưu ý:

- Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã được Tòa án cho ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 68 của Bộ luật này thì quyết định cho ly hôn vẫn có hiệu lực pháp luật;

- Vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố là đã chết đã kết hôn với người khác thì việc kết hôn đó vẫn có hiệu lực pháp luật.

Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.

Đơn phương ly hôn có bất lợi gì không?

Xin chào Luật sư. Gia đình tôi vợ chồng không hạnh phúc nên đã chia tay mà chưa ta Tòa hơn 2 năm nay. Vì lý do chồng cờ bạc mà đã bán nhà không còn tài sản, lúc đòi bán nhà em có đòi ly hôn nhưng ông không chịu năm 2016. Đến hôm nay thì ông có nhờ Luật sư để làm thủ tục ly hôn mà tôi có thắc mắc là ông Luật sư ấy lại làm đơn khởi kiện kêu tôi đứng tên mà không phải chồng tôi thế có bất lợi gì cho tôi không? Mong Luật sư tư vấn dùm tôi, thành thật biết ơn!

Trả lời:

Điều 55 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 quy định: Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Ly hôn theo yêu cầu của một bên theo Điều 56 Luật này thì: Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

Theo quy định tại Điều 51 Luật Hôn nhân Gia đình 2014 thì: Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Như vậy, ly hôn có hai loại là đơn phương ly hôn và thuân tình ly hôn, trường hợp của bạn nếu chồng muốn làm đơn ly hôn thì phải thỏa mãn các điều kiện nêu trên. Ở đây theo thông tin bạn cung cấp thì người chồng chính là nguyên nhân làm cho mục đích hôn nhân không đạt được nên việc bạn đứng đơn ly hôn là để thuận lợi về mặt thủ tục, Tòa án sẽ xem xét lý do nộp đơn là có căn cứ không để thụ lý giải quyết. Khi giải quyết thì Tòa án sẽ xem xét thỏa thuận của các bên về con chung, tài sản chung, nợ chung..., Tòa án sẽ dựa trên quy định của pháp luật để giải quyết nên sẽ không có bất lợi gì đối với bên nộp đơn. Nếu bạn đơn phương ly hôn và ở phần hòa giải hai bên hòa giải thành thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận hòa giải thành, thủ tục sẽ nhanh hơn trường hợp thuận tình ly hôn.

Trân trọng!

Võ Ngọc Nhi

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào