Mục tiêu về chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050
1. Mục tiêu chung Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững
Theo Tiểu mục 1 Mục II Điều 1 Quyết định 150/QĐ-TTg năm 2022 quy định về mục tiêu chung như sau:
Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các vùng, miền. Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật tự được đảm bảo. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.
2. Mục tiêu cụ thể về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2030
Bên cạnh đó tại Tiểu mục 2 Mục II Điều 1 Quyết định này quy định về mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như sau:
- Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm.
- Mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông làm thủy sản đạt bình quân từ 5 - 6%/năm.
- Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1 - 1,5%/năm.
- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%.
- Cả nước có ít nhất 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trên 70% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 35% số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
- Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020. Tỷ lệ che phủ rùng duy trì ổn định ở mức 42%, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 1 triệu ha.
Tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3 - 5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.
3. Tầm nhìn đến năm 2050
Theo Tiểu mục 3 Mục II Điều này cũng quy định về tầm nhìn đến năm 2050 quy định như sau:
Phấn đấu Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với đô thị.
Trân trọng!
Võ Ngọc Nhi