Quy định kiểm sát Quyết định đưa vụ án ra xét xử
Việc kiểm sát quyết định đưa vụ án ra xét xử được quy định tại Điều 6 Quy định về hướng dẫn hoạt động của Kiểm sát viên ban hành kem theo Quyết định 458/QĐ-VKSTC năm 2019, cụ thể như sau:
1. Kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định, bao gồm:Hình thức của quyết định theo mẫu do Tòa án nhân dân tối cao ban hành; thẩm quyền ra quyết định, thời hạn ra quyết định theo quy định tại khoản 3 Điều 203 BLTTDS; việc gửi quyết định, nội dung quyết định theo quy định tại Điều 220 BLTTDS; vụ án được đưa ra xét xử theo thủ tục thông thường hay rút gọn;xem xét quan hệ pháp luật tranh chấp mà tòa án đã xác định đúng hay không. Trường hợp vụ án được xét xử kín, cần xem xét có đảm bảo theo quy định tại khoản 2 Điều 15 BLTTDS.
2. Đối với những vụ án sau khi thụ lý vụ án, Tòa án thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc thụ lý yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính từ ngày Tòa án thụ lý yêu cầu của đương sự sau cùng.
Trường hợp bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp tiền tạm ứng án phí thì ngày thụ lý vụ án là ngày bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Trường hợp bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí thì ngày thụ lý vụ án là ngày Tòa án nhận được đơn về yêu cầu phản tố của bị đơn hoặc yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng các tài liệu, chứng cứ kèm theo.
Trường hợp phát hiện Tòa án vi phạm về thời hạn chuẩn bị xét xử, người được phân công nghiên cứu hồ sơ vụ án tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát kiến nghị với Tòa án.
3. Đối với vụ án dân sự được đưa ra xét xử theo thủ tục rút gọn, người nghiên cứu hồ sơ cần kiểm tra các điều kiện để Tòa án giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn được quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 317 BLTTDS. Trường hợp phát hiện Tòa án đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn không đúng với quy định trên thì báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát để kiến nghị Tòa án chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường theo quy định tại các khoản 3 và 4 Điều 317 BLTTDS.
4. Trường hợp phát hiện thành viên Hội đồng xét xử hoặc Thư ký tòa án thuộc trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi theo quy định tại các điều 52, 53 và 54 BLTTDS thì người nghiên cứu hồ sơ vụ án báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát yêu cầu Chánh án Tòa án cùng cấp thay đổi thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 56 BLTTDS. Trường hợp phát hiện phải thay đổi, bổ sung người phiên dịch, người giám định thì báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát yêu cầu thay đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 84 BLTTDS. Trường hợp Tòa án không thực hiện yêu cầu của Viện kiểm sát thì Kiểm sát viên vẫn phải tham gia phiên tòa và phát biểu về vi phạm tố tụng.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật