Có phải đóng thuế TNCN khi nhận thừa kế quyền sử dụng đất?
Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo di chúc hợp pháp. Trong đó, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;
- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
- Di chúc là văn bản không có người làm chứng chỉ được xem là hợp pháp khi người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc.
Do đó: Trường hợp bác của bạn trước khi qua đời có viết tay một bản di chúc để lại cho tôi thừa kế thửa đất và căn nhà mà bác đang ở, đất và nhà đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bác nếu đáp ứng đủ các điều kiện kể trên thì được xem là hợp pháp.
Khi đó, bạn có quyền được nhận thừa kế đối với thửa đất và căn nhà đó. Để nhận di sản thừa kế, bạn phải thực hiện thủ tục khai nhận thừa kế tại tổ chức công chứng, hoặc ủy ban nhân dân cấp xã nơi có thửa đất và căn nhà. Sau đó thực hiện thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất đai, để chuyển quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo di chúc từ bác sang tên của mình.
Về thuế thu nhập cá nhân
Theo quy định tại Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 thì khoản thu nhập của cá nhân từ nhận thừa kế bất động sản phải chịu thuế thu nhập cá nhân.
Trường hợp thu nhập từ nhận thừa kế là bất động sản giữa vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau thì được miễn thuế thu nhập cá nhân.
Do đó: Đối với trường hợp bạn nhận thừa kế thửa đất và căn nhà trên đất theo di chúc của bác ruột - không thuộc trường hợp được miễn thuế thu nhập kể trên. Nên bạn có nghĩa vụ phải khai, nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ nhận thừa kế nhà, đất của bác theo quy định của pháp luật.
Về lệ phí trước bạ
Theo quy định tại Nghị định 140/2016/NĐ-CP thì nhà, đất thuộc đối tượng phải chịu lệ phí trước bạ theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân có nhà, đất có nghĩa vụ phải nộp lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ các trường hợp thuộc diện miễn lệ phí trước bạ theo quy định của pháp luật.
Nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng giữa: Vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì được miễn lệ phí trước bạ.
Do đó: Đối với trường hợp bạn nhận thừa kế thửa đất và căn nhà trên đất theo di chúc của bác ruột - không thuộc trường hợp được miễn lệ phí trước bạ kể trên. Nên bạn có nghĩa vụ phải khai, nộp thuế lệ phí trước bạ khi làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo di chúc từ bác sang tên của mình theo quy định của pháp luật.
Kết luận: Trường hợp bác của bạn không vợ, không con nên từ nhỏ, cha bạn đã cho bạn sang ở chung với bác, bác nuôi bạn từ lúc 8 tuổi cho đến nay bạn đã 40 tuổi. Vừa qua, vì bệnh tật nên bác của bạn đã qua đời. Trước khi qua đời, bác có viết tay một bản di chúc để lại cho bạn thừa kế thửa đất và căn nhà mà bác đang ở, đất và nhà đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bác. Di chúc được Ủy ban xã chứng thực và xác nhận hợp pháp. Nay bạn muốn sang tên thửa đất theo di chúc thì phải đóng thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ theo quy định.
Trên đây là quan điểm tư vấn của chúng tôi đối với vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật