Điều kiện để được bán đất của hộ gia đình

Đất nông nghiệp của bố mẹ tôi và của gia đình tôi đều nằm trên một sổ đỏ do tôi đứng tên. Nay vợ chồng tôi muốn bán thì vợ chồng chú út không cho vì lý do đất đó do ông bà đứng tên chứ không phải vợ chồng tôi nên tôi không có quyền bán. Nếu muốn bán thì phải chờ bố mẹ tôi mất rồi hai anh em chia đôi sau đấy tôi muốn bán thì bán. Vậy xin hỏi, trường hợp của tôi giải quyết như thế nào?

Tại Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định về cách thể hiện thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất tại trang 1 của Giấy chứng nhận (bìa) như sau:

Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình như quy định tại Điểm a Khoản này; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).

Như vậy, việc trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bạn ghi thông tin của mỗi mình bạn không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các thành viên khác có tên trong sổ hộ khẩu của gia đình đối với mảnh đất của gia đình bạn.

Bên cạnh đó, dựa vào những thông tin mà bạn đã cung cấp thì chúng tôi xác định, hiện nay phần diện tích đất mà bạn và vợ con bạn được giao đã được gộp chung với phần diện tích đất của bố mẹ bạn và làm thành một sổ đỏ đứng tên hộ gia đình. Như vậy, nếu bạn muốn bán phần diện tích đất mà bạn và vợ con bạn được giao thì trước tiên bạn cần phải làm thủ tục tách thửa, sau đó xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bạn. Lúc này, bạn mới có toàn quyền định đoạt đối với phần diện tích đó.

Và tại Điều 212 Bộ luật dân sự 2015 quy định về sở hữu chung của các thành viên trong gia đình.

Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Vậy nên, để có thể thực hiện thủ tục tách thửa, bạn cần phải thỏa thuận được với tất cả các thành viên đã thành niên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ trong hộ gia đình .

Ban biên tập phản hồi thông tin đến bạn.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào